Đột quỵ là một tình trạng cấp bách, nếu không xử trí kịp thời có thể gây tử vong hoặc khiến người bệnh tàn tật suốt đời. Vậy, làm thế nào để cấp cứu đột quỵ kịp thời? Điều này phụ thuộc vào việc nhận biết sớm các dấu hiệu của đột quỵ. Hãy cùng tìm hiểu về những triệu chứng này cũng như phương pháp cấp cứu đột quỵ đúng đắn trong bài viết dưới đây!
Những dấu hiệu của đột quỵ
Đột quỵ (hay còn gọi tai biến mạch máu não) là tình trạng xảy ra khi lưu lượng máu lên não bị ngưng trệ hoặc giảm đột ngột. Khi đó, một vùng não không được cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng sẽ bị tổn thương, mất khả năng điều khiển cơ thể. Các tế bào não ở khu vực này cũng dần hoại tử.
Người bị đột quỵ não nếu không được điều trị kịp thời có thể gặp rất nhiều di chứng, phổ biến nhất là: Liệt, méo miệng, suy giảm thị lực, mất khả năng nói,… thậm chí là tử vong. Chính vì vậy, việc nhận biết sớm các triệu chứng và cấp cứu nhanh chóng là rất quan trọng với người bệnh đột quỵ.
Trên thực tế, đột quỵ thể có một số triệu chứng rất nhẹ, khó phát hiện nhưng cũng có những biểu hiện khá rõ ràng như:
- Yếu, tê liệt một bên mặt và tay, chân.
- Một bên mắt đột nhiên bị mờ hoặc không nhìn thấy gì.
- Khó nói, không hiểu lời nói.
- Chóng mặt, mất thăng bằng, đi loạng choạng như người say rượu.
- Đột ngột đau đầu dữ dội.
- Nhầm lẫn hoặc mất ý thức.
- Đại, tiểu tiện không tự chủ.
Xem thêm: Một số bệnh nền làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người cao tuổi
Cấp cứu đột quỵ như thế nào?
Khi bắt gặp người có những triệu chứng nêu trên, bất kể nặng hay nhẹ, bạn cần nhanh chóng đặt người bệnh nằm ở nơi rộng rãi và cởi bớt quần áo cho họ giúp thông thoáng, đầu kê một góc 30 độ, tránh để người bệnh bị ngã dẫn đến các chấn thương khác. Nếu bệnh nhân bị nôn và trong miệng có đờm thì phải móc hết đờm ra cho dễ thở.
Trong lúc này, hãy nhanh chóng gọi xe cứu thương hoặc đưa người bệnh tới tới cơ sở y tế gần nhất để điều trị, không nên ngồi chờ cho các triệu chứng tự thoái lui. Việc cấp cứu kịp thời có vai trò quan trọng làm giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế đối với người bị đột quỵ. Nên nhớ, thời gian cấp cứu càng sớm thì khả năng sống và hạn chế được di chứng càng cao.
Cũng cần lưu ý, quá trình vận chuyển người bị đột quỵ tới bệnh viện phải hết sức cẩn thận. Khi di chuyển, nên để bệnh nhân nằm nghiêng trên bề mặt phẳng. Nếu bệnh viện gần nhất có đủ điều kiện và cơ sở vật chất để chữa trị thì không nên chuyển đi xa. Riêng đối với những người ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, không nên chở bệnh nhân đến bệnh viện bằng xe máy mà hãy dùng cáng, tránh tình trạng xóc nảy.
Đặc biệt, người nhà không được tự ý cho bệnh nhân đột quỵ uống hoặc nhỏ bất kỳ loại thuốc nào khi chưa tham khảo ý kiến chuyên gia. Có một sự thật là nhiều người khi thấy huyết áp bệnh nhân tăng cao liền tự ý cho bệnh nhân uống thuốc hạ huyết áp và làm loãng máu. Trong khi đó, một số cơn đột quỵ xảy ra do vỡ động mạch, uống thuốc làm loãng máu trong trường hợp này có thể khiến cho tình trạng của bệnh nhân trở nên nguy kịch hơn, gây ra những hậu quả nghiêm trọng và khó phục hồi.
Xem thêm: Ăn gì phòng ngừa đột quỵ tốt? – 10 thực phẩm “quý hơn vàng” mà bạn không thể bỏ qua!