Người cao tuổi là đối tượng chủ yếu bị đột quỵ. Theo các chuyên gia, có một số bệnh nền khiến nguy cơ đột quỵ ở người cao tuổi tăng cao. Kiểm soát tốt bệnh nền sẽ giúp họ giảm nguy cơ mắc bệnh cũng như giảm mức độ nghiêm trọng của cơn đột quỵ. Cụ thể đó là những bệnh nào, chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này!
Tổng quan về tình trạng đột quỵ ở người cao tuổi
Đột quỵ (hay tai biến mạch máu não) là tình trạng não bộ tổn thương do mạch máu não bị tắc hoặc vỡ. Khi đó, do không được cung cấp đủ máu, các tế bào não sẽ ngưng hoạt động và hoại tử, không thể điều khiển những cơ quan trên cơ thể. Do vậy, bệnh nhân đột quỵ nếu không được cấp cứu kịp thời có thể sẽ bị liệt, méo miệng, mất trí nhớ,… thậm chí là tử vong.
Thực tế cho thấy, đột quỵ có thể xảy ra với mọi người, ở mọi độ tuổi. Tuy nhiên, người cao tuổi là đối tượng dễ bị đột quỵ hơn cả. Theo thống kê của Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ, có gần 75% số ca đột quỵ xảy ra ở những người cao tuổi. Các chuyên gia cho rằng, kể từ khi con người bước vào độ tuổi 55, nguy cơ đột quỵ sẽ tăng gấp đôi cứ sau mỗi thập kỷ.
Xem thêm: Nguyên nhân gây đột quỵ là gì?
Một số bệnh nền làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người cao tuổi
Về cơ bản, có rất nhiều bệnh nền làm tăng nguy cơ đột quỵ. Ở đối tượng là người cao tuổi, những bệnh lý này càng nguy hiểm và có khả năng gây đột quỵ cao hơn, đó là:
Huyết áp cao
Huyết áp cao là yếu tố nguy cơ chủ yếu của bệnh đột quỵ. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ ước tính, chỉ có 45% những người mắc bệnh này thực sự kiểm soát được chỉ số huyết áp. Hầu hết bệnh nhân đột quỵ, nhất là nữ giới có xu hướng không kiểm soát tốt chỉ số này.
Huyết áp cao không có bất kỳ dấu hiệu nào bên ngoài, do đó, bạn cần tự bảo vệ mình bằng cách xây dựng lối sống lành mạnh, đo huyết áp thường xuyên và sử dụng thuốc hạ huyết áp mỗi ngày.
Rối loạn lipid máu
Lipid máu gồm 2 phần là cholesterol và triglycerid. Khi 2 thành phần này dư thừa, vượt quá giới hạn cho phép (5,2 mmol/l đối với cholesterol và 2,3 mmol/l đối với triglycerid) thì được gọi là rối loạn lipid máu. Tình trạng này có thể làm hỏng các động mạch, hơn thế cholesterol còn có xu hướng tích tụ thành mảng bám trên thành mạch, gây ra chứng xơ vữa động mạch. Khi mảng bám vỡ ra, chúng có thể kết hợp với hồng cầu tạo thành những cục máu đông làm tắc mạch máu, từ đó dẫn đến đột quỵ.
Tiểu đường
Bệnh tiểu đường làm suy yếu các mạch máu trên khắp cơ thể, bao gồm cả tim và não. Điều này làm tăng nguy cơ đột quỵ. Tiền đái tháo đường và tiểu đường là hai tình trạng sức khỏe có thể kiểm soát bằng chế độ ăn uống khoa học, tập thể dục thường xuyên.
Hẹp động mạch cảnh
Các mạch máu ở cổ chính là động mạch cảnh. Nếu chúng hẹp hoặc không đều có thể dẫn tới việc hình thành các cục máu đông và di chuyển đến rồi tắc lại trong mạch máu của não. Ngày nay, với nền y học hiện đại đã cho ra đời một số thủ thuật can thiệp giúp giải quyết vấn đề này.
Rối loạn nhịp tim
Nhịp tim không đều còn gọi là rối loạn nhịp tim, có thể góp phần vào sự hình thành các cục máu đông. Những cục máu đông này có thể đi đến não và bị mắc kẹt trong các mạch máu nhỏ, dẫn đến đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
Suy tim
Trong bệnh suy tim, cơ tim trở nên yếu đi, dẫn đến việc bơm máu lên não bị cản trở, cũng có thể làm tăng nguy cơ xảy ra đột quỵ.
Bệnh van tim
Bệnh van tim có thể bẩm sinh hoặc phát triển trong quá trình sống. Bệnh van tim cũng có thể làm thay đổi lưu lượng máu trên toàn cơ thể, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và có khả năng gây đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
Khuyết tật tim bẩm sinh
Các khuyết tật tim bẩm sinh có thể gây ra nhiều vấn đề khác nhau như: Sai vị trí mạch máu, rò rỉ máu… dẫn tới đột đột quỵ. Hầu hết các khuyết tật tim có thể được phát hiện và điều trị dứt điểm.
Nhiễm trùng tim hoặc viêm tim
Viêm và nhiễm trùng tim không phải là tình trạng phổ biến. Viêm, nhiễm trùng cơ tim có thể dẫn tới hình thành cục máu đông, gây suy tim, đau tim và ảnh hưởng xấu đến não.
Rối loạn chảy máu
Rối loạn chảy máu là một nhóm các bệnh có khả năng hình thành cục máu đông. Sau khi gặp chấn thương, người mắc bệnh rối loạn chảy máu có thể bị chảy máu quá nhiều hoặc kéo dài ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, kể cả não. Tình trạng chảy máu cũng có thể xảy ra tự phát, khi không có tác động ngoại lực nào.
Hồng cầu hình liềm
Hồng cầu hình liềm là một bệnh di truyền, trong đó các tế bào hồng cầu có hình dạng bất thường và không thể thực hiện được chức năng đưa oxy đến mô. Những tế bào này thường cứng và có thể dính vào thành mạch máu não gây tắc mạch máu, dẫn tới đột quỵ.
Phình động mạch não
Chứng phình động mạch não là tình trạng một mạch máu có hình dạng bất thường ngay từ khi sinh ra. Khi huyết áp thay đổi, động mạch này có thể vỡ, dẫn đến đột quỵ xuất huyết não.
Dị tật động tĩnh mạch
Dị tật động mạch là một tình trạng bất thường của mạch máu, làm tăng nguy cơ vỡ mạch máu, gây ra đột quỵ xuất huyết não. Đôi khi, dị tật động mạch còn có thể làm suy giảm chức năng thần kinh bởi nó ngăn chặn dòng máu lưu thông lên não.
Xem thêm: Muốn nhanh chóng phục hồi chức năng sau đột quỵ, chỉ cần làm điều này 3 lần mỗi tuần