Đột quỵ não có thể trở thành bước ngoặt lớn mang tính tiêu cực trong cuộc sống người bệnh. Vậy nguyên nhân gây đột quỵ não là gì? Mời bạn cùng theo dõi bài viết này để tìm câu trả lời cho thắc mắc trên!
Đột quỵ não là gì?
Cơ thể chúng ta hoạt động nhịp nhàng là nhờ có sự sắp xếp, điều khiển của não bộ. Tuy nhiên, khi mạch máu não bị vỡ hoặc có các cục máu đông làm tắc nghẽn, ngăn chặn dòng chảy của máu, tế bào não sẽ không có đủ oxy để hoạt động bình thường, các chức năng cơ thể từ đó cũng sẽ bị ảnh hưởng, có thể dẫn tới di chứng tàn tật lâu dài, thậm chí tử vong. Tình trạng này được gọi là đột quỵ não.
Đột quỵ não được chia thành 2 loại: Đột quỵ thiếu máu não cục bộ và đột quỵ xuất huyết não. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ xảy ra khi các cục máu đông làm tắc mạch máu, khiến máu không thể đi lên não. Đột quỵ do xuất huyết não xảy ra khi một mạch máu trong não bị vỡ, máu tràn ra làm tổn thương các mô não.
Nguyên nhân gây đột quỵ não
Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây đột quỵ não có thể được phân thành 2 nhóm: Nhóm các yếu tố có thể kiểm soát được và nhóm những yếu tố không thể kiểm soát.
Nhóm các yếu tố không thể kiểm soát được bao gồm:
- Tuổi tác: Tuổi càng cao, nguy cơ đột quỵ não càng tăng. Theo thống kê, có hơn 70% số ca đột quỵ não xảy ra ở người ngoài 65 tuổi.
- Tiền sử gia đình: Nếu người thân (cha mẹ, ông bà, anh chị em) đã bị đột quỵ não, nguy cơ mắc bệnh của bạn cũng cao hơn.
- Giới tính: Đột quỵ não phổ biến ở nam giới nhưng thường gây hậu quả nặng nề hơn với nữ giới.
Nhóm các yếu tố có thể kiểm soát lại được chia theo từng loại đột quỵ. Cụ thể như sau:
Đột quỵ thiếu máu não cục bộ:
Khi chúng ta già đi, động mạch trở nên hẹp hơn, dễ bị tắc, dẫn đến đột quỵ não. Một số yếu tố có thể đẩy nhanh quá trình thu hẹp lòng động mạch là:
- Huyết áp cao hoặc cholesterol tăng.
- Lối sống lười vận động, béo phì
- Hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia
- Mắc một số bệnh lý như: Bệnh tiểu đường, bệnh tim, bệnh động mạch vành,…
Đột quỵ xuất huyết não:
Nguyên nhân chính của đột quỵ xuất huyết não là bệnh huyết áp cao. Huyết áp là áp lực của máu lên thành mạch. Huyết áp ở mức cao trong thời gian dài có thể làm suy yếu các mạch máu não, khiến chúng dễ bị nứt hoặc vỡ. Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh huyết áp cao bao gồm:
- Hút thuốc, uống quá nhiều rượu
- Lười tập thể dục
- Thường xuyên căng thẳng
- Tiền sử gia đình có người bị huyết áp cao
- Thừa cân – béo phì
- Mắc bệnh tiểu đường
- Chế độ ăn quá nhiều muối.
Ngoài bệnh huyết áp cao, chứng phình động mạch cũng là một nguyên nhân gây đột quỵ xuất huyết não phổ biến.
Xem thêm: Các phương pháp phục hồi chức năng sau đột quỵ tại nhà
Phòng ngừa đột quỵ não như thế nào?
Để phòng ngừa đột quỵ não, bạn cần thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt hàng ngày. Cụ thể:
Điều trị các bệnh sẵn có
Như đã đề cập phía trên, đột quỵ não có rất nhiều bệnh lý nguy cơ như: Bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch… Bạn cần kiểm soát các bệnh lý nguy cơ này bằng cách thường xuyên theo dõi, kiểm tra, sử dụng thuốc theo đúng liệu trình.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học
Trong thực đơn hàng ngày, bạn nên tránh các món ăn mặn, đồ ăn nhanh, các món chiên xào, thực phẩm chế biến sẵn bởi chúng chứa nhiều cholesterol và có hàm lượng muối cao, có thể làm tăng huyết áp – nguyên nhân gây đột quỵ não.
Thay vào đó, bạn nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và sử dụng chất béo từ thực vật để giúp điều tiết lượng cholesterol trong máu, ổn định huyết áp.
Thường xuyên vận động, luyện tập thể dục thể thao
Tập thể dục là một cách phòng ngừa đột quỵ não hiệu quả. Bạn nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày ở mức độ vừa sức mình. Việc luyện tập thường xuyên sẽ giúp tăng cường thể lực và sức đề kháng, từ đó phòng chống được những bệnh lý về tim mạch, huyết áp, giảm nguy cơ đột quỵ não.
Ngoài ra, bạn cũng cần xây dựng môi trường sống lành mạnh để tránh căng thẳng, và nghỉ ngơi đầy đủ, giúp não bộ được thả lỏng, từ đó hoạt động hiệu quả hơn.
Xem thêm: 12 cách phòng ngừa đột quỵ đơn giản bạn có thể thực hiện mỗi ngày