Các nhà khoa học Mỹ đã chỉ ra rằng, đi bộ nhanh 30 phút ngoài trời với tần suất 3 lần/tuần có thể giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi chức năng sau đột quỵ, phương pháp này đặc biệt có ích với những người đang gặp vấn đề về đi lại. Cụ thể thế nào? Mời bạn cùng tìm hiểu thông tin chi tiết trong bài viết dưới đây!

Đột quỵ là gì?

Đột quỵ (hay tai biến mạch máu não) là tình trạng một phần não đột ngột không được cung cấp máu kịp thời nên dần hoại tử, mất khả năng điều khiển các hoạt động của cơ thể. Người mắc bệnh cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch hoặc những người có lối sống thiếu lành mạnh như: Lười vận động, hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều,… là đối tượng có nguy cơ cao bị đột quỵ.

Xem thêm: Nguyên nhân gây đột quỵ não là gì?

Đi bộ giúp đẩy nhanh tốc độ phục hồi chức năng sau đột quỵ

Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Stroke – cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, việc đi bộ nhanh 30 phút mỗi lần với tần suất 3 lần/tuần có thể giúp người bị đột quỵ nhanh chóng phục hồi chức năng, cải thiện chất lượng cuộc sống và ngăn ngừa bệnh tái phát. 

Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, ông Gordon – Giảng viên khoa Vật lý trị liệu của trường Đại học West Indies (Mỹ) cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng, sau quá trình cấp cứu tại bệnh viện, thay vì tích cực luyện tập thì bệnh nhân đột quỵ khi trở về nhà thường nằm một chỗ, hạn chế vận động đến mức tối đa vì cơ thể yếu ớt và sợ bị ngã. Đây là nguyên nhân chính khiến quá trình phục hồi chức năng sau đột quỵ chậm lại. Điều này đã hối thúc chúng tôi thực hiện nghiên cứu để tìm ra phương pháp giúp người bệnh sớm cải thiện chất lượng cuộc sống!”.

Nghiên cứu được thực hiện trên 128 bệnh nhân ở Jamaica với độ tuổi dao động từ 42 - 90. Họ bị đột quỵ trong khoảng 6 tháng đến 2 năm trước khi tham gia vào nghiên cứu. 128 bệnh nhân này được chia ngẫu nhiên thành 2 nhóm: Một nhóm được massage trị liệu 25 phút/lần, thực hiện 3 lần/tuần trong 12 tuần liên tục. Trong khi đó, cũng với tần suất như trên, nhóm thứ 2 thực hiện đi bộ. Ban đầu, họ đi bộ 15 phút/ngày, sau đó dần tăng lên 30 phút với mức độ hoạt động vào khoảng 60 - 85% nhịp tim tối đa. Trong quá trình đi bộ, họ được giám sát chặt chẽ bởi những người hướng dẫn và có thể thực hiện cùng người thân (nếu muốn). Họ được lựa chọn đi bộ ở bất cứ nơi nào thuận tiện, chẳng hạn như: Xung quanh nhà, trên vỉa hè hoặc trong công viên.

Kết thúc 3 tháng thử nghiệm, hai nhóm được so sánh bằng cách kiểm tra khả năng đi bộ trong 6 phút. Kết quả cho thấy, các thành viên của nhóm đi bộ có hiệu quả cải thiện sau đột quỵ tốt hơn so với nhóm massage. Trong 6 phút, họ đi xa hơn nhóm massage khoảng 55 mét. Bên cạnh đó, nhịp tim của các bệnh nhân trong nhóm này cũng ổn định hơn: Trung bình 78 nhịp/phút, nhỏ hơn nhiều so với con số 84 nhịp/phút của nhóm đối chứng.

Xem thêm: Bệnh đột quỵ và cách phòng tránh hiệu quả

Phục hồi chức năng sau đột quỵ cần lưu ý gì?

Kết quả nghiên cứu trên đã chỉ ra rằng, việc chủ động luyện tập có thể giúp người bệnh cải thiện thể lực và sức chịu đựng, lấy lại những chức năng đã mất trong cơn đột quỵ. Chính vì vậy, khi được ra viện trở về nhà, chắc chắn bạn không thể bỏ qua bước tự luyện tập này.

Ngoài ra, để quá trình phục hồi sau đột quỵ diễn ra hiệu quả hơn, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau: 

Tập trung tinh thần

Việc phục hồi sau chức năng sau đột quỵ bao gồm cả củng cố thể chất và cải thiện tinh thần. Muốn làm được điều này, hãy tăng cường luyện tập bằng cách tưởng tượng chuyển động. Ví dụ, nếu bạn bị liệt chân, đi lại khó khăn sau đột quỵ, hãy thường xuyên hình dung về những chuyển động chân, tưởng tượng bạn đang đi bộ, đá chân hay chạy nhảy. Việc tưởng tượng như vậy sẽ kích thích não bộ phục hồi và ra lệnh cho các cơ ở chân hoạt động theo

Tạo không gian yên tĩnh trong gia đình

Những tiếng ồn xuất phát từ chính nơi sinh sống cũng có thể khiến bạn mất tập trung. Đôi khi, đây chính là lý do khiến não bộ phân tâm, làm gián đoạn quá trình phục hồi chức năng sau đột quỵ. Bởi vậy, hãy lên lịch tập thể dục khi không gian trong nhà yên tĩnh nhất, tắt tivi, điện thoại và nhắc nhở các thành viên trong gia đình đừng làm phiền cho tới khi bạn tập xong.

Không nản chí

Nhiều bệnh nhân đột quỵ cảm thấy nản lòng vì sau khi kết thúc quá trình trị liệu tại trung tâm và trở về nhà, tốc độ phục hồi chậm đi rõ rệt. Tuy nhiên, bạn không cần bận tâm vì đây là chuyện hết sức bình thường, quá trình phục hồi có lúc nhanh lúc chậm. Hãy luyện tập theo nhiều cách khác nhau để kích thích não bộ phục hồi. 

Bên cạnh đó, đừng để lời nói của bất kỳ ai ngăn cản những nỗ lực của bạn. Khi một người nào đó nói rằng, bạn không thể làm được mà chính bản thân của bạn lại có xu hướng tin vào điều này thì chắc chắn sẽ dẫn tới kết quả tiêu cực. Đây được gọi là hiệu ứng Nocebo. Đừng “mắc bẫy” hiệu ứng này, hãy bỏ qua những ý kiến tiêu cực, tập trung luyện tập và tin tưởng vào sự phục hồi hoàn toàn trong một ngày không xa, chắc chắn bạn sẽ nhận được kết quả bất ngờ.

Xem thêm: 12 cách phòng ngừa đột quỵ đơn giản bạn có thể thực hiện mỗi ngày