Sẽ không phải là quá lời nếu nói rằng, những di chứng tai biến mạch máu não có thể đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của người bệnh. Chúng không chỉ khiến người bệnh mất khả năng lao động, kiếm sống mà còn làm cho gia đình, người thân cũng phải “lao đao” theo. Vậy có cách nào để cải thiện tình trạng này hay không? Mời bạn cùng theo dõi trong bài viết sau.
Tai biến mạch máu não là gì?
Tai biến mạch máu não là tình trạng một phần não bị tổn thương do thiếu oxy và chất dinh dưỡng. Tình trạng này xảy ra khi mạch máu não bị tắc hoặc vỡ, lưu lượng máu lên não đột ngột ngưng trệ. Khi đó, các cơ quan do vùng não tổn thương điều khiển sẽ mất khả năng hoạt động. Nếu não bị tổn thương ở mức độ nghiêm trọng, người bệnh có thể tử vong chỉ trong vài phút. Trong trường hợp nhẹ hơn, người bệnh sống sót nhưng vẫn có thể phải gánh chịu nhiều di chứng nặng nề.
Xem thêm: Nguyên nhân gây tai biến mạch máu não là gì? Cách phòng bệnh như thế nào?
Những di chứng của tai biến mạch máu não
Sau tai biến mạch máu não, người bệnh có thể phải gánh chịu nhiều di chứng cả về tâm lý và vật lý.
Theo các chuyên gia, tai biến mạch máu não có một số di chứng thường gặp như:
Liệt nửa người: Đây là tình trạng một bên cơ thể (trái hoặc phải) bao gồm tay, chân, mặt bị yếu, không thể cử động. Di chứng này khiến cuộc sống của người bệnh trở nên khó khăn nhưng may mắn là tình trạng liệt nửa người vẫn có thể cải thiện dần theo thời gian nếu được tiến hành điều trị và áp dụng vật lý trị liệu đúng cách.
Mất ngôn ngữ: Là tình trạng người bệnh bị suy giảm ngôn ngữ, không thể nói, nói ra những câu vô nghĩa và không hiểu người khác muốn nói gì với mình.
Suy giảm thị lực: Các vấn đề về thị lực như mắt nhìn mờ hay mù hẳn một bên mắt có thể xảy ra do máu chảy vào mắt hoặc làm tổn thương vùng não điều khiển chức năng hoạt động của mắt.
Co giật: Sau tai biến mạch máu não, người bệnh có thể bị co giật vì vỏ não đã tổn thương. Tai biến xảy ra do mạch máu não bị vỡ có nhiều khả năng gây co giật hơn so với tai biến do tắc mạch máu não. Nếu tình trạng co giật xảy ra nhiều lần, người bệnh được cho là bị động kinh.
Đau đầu: Tai biến mạch máu não có thể kích hoạt những cơn đau đầu. Đây là một di chứng rất phổ biến với khoảng 20 - 30% bệnh nhân tai biến mạch máu não bị đau đầu. Di chứng này cũng có thể cải thiện dần theo thời gian.
Mất trí nhớ ngắn hạn, mất tập trung, thay đổi nhận thức: Sau tai biến mạch máu não, người bệnh có thể rơi vào tình trạng mất tập trung, dễ phân tâm ngay cả với những điều vừa xảy ra,… Đặc biệt, người bệnh có thể bị mất trí nhớ ngắn hạn, không thể tiếp thu kiến thức mới và quên đi cuộc sống trước đó. Chẳng hạn như sau khi từ bệnh viện trở về, dù ngôi nhà và đồ đạc trong nhà vẫn như cũ nhưng với người bị tai biến mạch máu não sẽ thấy mọi thứ đều xa lạ.
Thay đổi tính cách: Thay đổi tính cách cũng là một di chứng của tai biến mạch máu não rất phổ biến. Người bệnh thường dễ xúc động hoặc trở nên cáu kỉnh, hay ganh tị. Thậm chí, có nhiều người bị trầm cảm sau tai biến.
Phát ban, ngứa, buồn nôn, thay đổi khẩu vị, thèm ngủ: Đây là những di chứng ít gặp hơn và thường không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu chúng quá nghiêm trọng, ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày thì bạn nên hỏi ý kiến chuyên gia và thay đổi lối sống để cải thiện.
Xem thêm: Điều trị tai biến mạch máu não liệt nửa người và liệt nhẹ bán thân như thế nào?
Các phương pháp cải thiện di chứng tai biến mạch máu não tại nhà
Có một điều không thể phủ nhận là những di chứng tai biến mạch máu não ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người bệnh. Bất cứ ai khi mắc bệnh cũng muốn sức khỏe của mình sẽ nhanh chóng tốt lên. Vì vậy, ngoài việc thực hiện vật lý trị liệu, bệnh nhân tai biến mạch máu não nên cố gắng rèn luyện thêm tại nhà để quá trình phục hồi hiệu quả. Cụ thể:
Chế độ tập luyện
Bản chất của phục hồi chức năng sau tai biến là giúp các cơ quan trên cơ thể kết nối lại với não bộ, giúp các mô não bị tổn thương “nhớ lại” cách vận hành. Muốn làm được điều này, không có cách nào khác ngoài việc thường xuyên luyện tập. Bạn cần thực hành các bài tập vận động từ dễ đến khó. Nếu bị liệt nửa người, bạn hãy tăng cường sử dụng bên cơ thể không liệt để hỗ trợ nửa người bị liệt. Nếu di chứng tai biến liệt nửa người quá nghiêm trọng, bạn nên thực hiện vật lý trị liệu dưới sự hướng dẫn chi tiết của các chuyên gia.
Chế độ sinh hoạt
Trong cuộc sống hàng ngày, người bị tai biến cần tránh thức khuya, hạn chế căng thẳng, mệt mỏi và đặc biệt là phải tránh xa các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia… Bên cạnh đó, nên tăng cường giao lưu, gặp gỡ người thân, bạn bè để tinh thần thoải mái, lạc quan hơn, tránh rơi vào trầm cảm sau tai biến mạch máu não.
Chế độ ăn uống
Người bị tai biến cần duy trì một chế độ ăn đủ chất, khoa học; tránh thức ăn nhiều đường, đồ ăn mặn hoặc những thực phẩm nhiều cholesterol. Đồ ăn của người bị tai biến mạch máu não nên được chế biến ở dạng mềm, lỏng như cháo, súp,… và nên chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa để không gây áp lực cho hệ tiêu hóa.
Xem thêm: Chăm sóc bệnh nhân tai biến mạch máu não – 5 lời khuyên tốt nhất dành cho bạn