Hiện nay, nhiều người chọn cách tự chăm sóc bệnh nhân tai biến mạch máu não thay vì thuê giúp việc. Khi cuộc sống tập trung vào việc lo lắng cho người khác, họ có thể bỏ bê chính bản thân mình. Vậy phải làm thế nào để cân bằng giữa việc chăm sóc người thân bị tai biến mạch máu não và quan tâm chính mình? Dưới đây là 5 lời khuyên dành cho bạn!

Tai biến mạch máu não là gì?

Tai biến mạch máu não (hay đột quỵ não) là tình trạng xảy ra khi lượng máu đưa lên não ngưng trệ đột ngột do mạch máu não bị vỡ hoặc tắc. Khi đó, não bộ sẽ dần hoại tử do thiếu oxy và chất dinh dưỡng. Nếu không được phát hiện, cấp cứu kịp thời, bệnh nhân tai biến mạch máu não có thể tử vong hoặc sống sót với những di chứng nặng nề như: Méo miệng, liệt, nói ngọng,… Chính vì thế, quá trình phục hồi dưới sự hỗ trợ, giúp đỡ của người thân là rất quan trọng đối với bệnh nhân tai biến mạch máu não.

>>>Xem thêm: Bệnh tai biến mạch máu não và công dụng phòng ngừa, hỗ trợ điều trị tai biến của nghệ

Chăm sóc bệnh nhân tai biến mạch máu não cần lưu ý gì?

Người chăm sóc là những “anh hùng thầm lặng” của bệnh nhân tai biến mạch máu não. Trong quá trình điều trị và phục hồi, không chỉ bệnh nhân mà cả người chăm sóc cũng sẽ gặp một số khó khăn, thử thách nhất định. Dưới đây là những việc mà người chăm sóc bệnh nhân tai biến mạch máu não nên lưu tâm:

1. Đánh giá khả năng tài chính

Đây là việc đầu tiên mà bạn cần làm. Bệnh tai biến mạch máu não có thể “bòn rút” một số tiền khá lớn của gia đình. Đó không chỉ là chi phí cho thuốc men điều trị mà còn là số tiền thất thoát khi công việc của bệnh nhân và người thân bị gián đoạn do bệnh tật.Hãy kiểm tra tài khoản cũng như chính sách bảo hiểm để chi tiêu một cách hiệu quả nhất trong quá trình điều trị.

2. Cho người bệnh tham gia phục hồi chức năng

Quá trình cải thiện sức khỏe của bệnh nhân tai biến mạch máu não diễn ra hiệu quả nhất trong 6 tháng đầu tiên sau khi xảy ra cơn tai biến. Vì vậy, hãy tạo điều kiện cho người thân của bạn tham gia các lớp phục hồi càng sớm càng tốt. Bạn cũng nên hỏi bác sĩ trị liệu xem có những cách nào để giúp người thân của mình tự luyện tập tại nhà hay không. 

Hiện nay, có một số thiết bị hỗ trợ phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não khá hữu ích. Tuy nhiên, bạn cũng nên khuyên người thân không nên quá phụ thuộc vào các thiết bị hỗ trợ mà cần tự lực hoàn thành những mục tiêu cá nhân. Điều này sẽ giúp quá trình phục hồi diễn ra nhanh và hiệu quả hơn.

3. Theo dõi hành vi và tâm trạng của người bệnh

Có thể nói, tai biến mạch máu não là một sự tổn thất nặng nề kéo theo những thay đổi lớn trong cuộc sống. Vì vậy, việc người bệnh thay đổi cảm xúc theo chiều hướng tiêu cực, thậm chí trầm cảm sau tai biến là một điều hết sức bình thường. Theo thống kê, có hơn 50% bệnh nhân bị trầm cảm sau tai biến mạch máu não. Chính tâm trạng không tốt này lại có thể cản trở quá trình phục hồi. Vì vậy, ngoài việc chăm lo về mặt thể chất, bạn hãy chú ý theo dõi cả tinh thần của người thân. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu trầm cảm, hãy nói chuyện với bác sĩ ngay lập tức.

Bên cạnh đó, đừng quên khuyến khích người bệnh chia sẻ cảm xúc với bạn. Hãy luôn lắng nghe, chăm sóc người thân bằng cả tấm lòng. Điều này không chỉ giúp người bệnh sớm phục hồi mà còn khiến tình thân được gắn kết.

4. Thúc đẩy lối sống lành mạnh

Theo một báo cáo tại Mỹ, cứ 12 người bị tai biến thì lại có 1 người tái phát. Để tránh nguy cơ này, hãy giúp người thân của bạn xây dựng lối sống lành mạnh và kiểm soát các yếu tố nguy cơ bằng cách: Thiết lập chế độ ăn uống khoa học, hạn chế uống rượu, bỏ thuốc lá, khám sức khỏe định kỳ,…

5. Đừng quên quan tâm chính mình

Là một người chăm sóc, có thể bạn sẽ cảm thấy mình có trách nhiệm phải làm mọi việc để giúp người thân của mình mau bình phục. Tuy nhiên, bạn cũng cần nhớ một điều quan trọng là phải dành thời gian cho chính mình. Thực tế, những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể cảm thấy cô đơn, choáng ngợp và có nguy cơ bị trầm cảm. Vì vậy, để tránh tình trạng “quá tải” cả về thể chất lẫn tinh thần, hãy chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ từ những thành viên khác trong gia đình hoặc các dịch vụ hỗ trợ. 

>>>Xem thêm: 5 nguyên tắc giúp khắc phục di chứng tai biến mạch máu não tại nhà