Thuốc lá có thể gây ra vô số căn bệnh nguy hiểm, đặc biệt là ung thư phổi, bệnh tim và đột quỵ. Vậy cụ thể, hút thuốc lá gây đột quỵ như thế nào? Những người thường xuyên hút thuốc lá cần làm gì để phòng ngừa cũng như khắc phục hậu quả của đột quỵ? Mời bạn cùng tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây!
Tại sao hút thuốc lá gây đột quỵ?
Thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất của đột quỵ - tình trạng tổn thương não do mạch máu não bị tắc hoặc vỡ. Theo một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Đột quỵ (Mỹ), có hơn 50% những bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi ở Mỹ là người hút thuốc lá.
Điều này được lý giải rằng, các chất kích thích trong thuốc lá làm tăng nhịp tim, huyết áp và gây bệnh mạch vành - những yếu tố liên quan chặt chẽ đến sự hình thành cục máu đông gây tắc mạch. Cụ thể:
Thuốc lá ngay khi hít vào hơi đầu tiên sẽ tác động trực tiếp lên tim và mạch máu. Khi đó nhịp tim bắt đầu tăng lên, chỉ trong 10 phút đầu, nhịp tim có thể tăng tới 30%, sau đó bắt đầu giảm xuống và không trở về bình thường nếu không ngừng hút thuốc.
Hút thuốc lá gây tăng huyết áp cấp. Người hút thuốc liên tục trong ngày thì tình trạng huyết áp càng tăng và khó kiểm soát. Hơn nữa, thuốc lá cũng làm mất tác dụng của thuốc hạ huyết áp vì nó kích thích gan sản xuất ra một loại enzym đi vào máu làm hạn chế tác dụng của thuốc điều trị huyết áp. Đây chính là mối hiểm họa có thể dẫn tới đột quỵ nếu sử dụng thuốc lá lâu ngày.
Hydrocarbon thơm đa vòng (chất gây ung thư) có trong thuốc lá gây xơ vữa động mạch và phá hủy nội mạch. Đáng chú ý, không chỉ những người chủ động hút thuốc mới có nguy cơ mắc bệnh mạch vành mà cả người hút thuốc lá thụ động cũng có nguy cơ cao mắc bệnh này. Theo thống kê, tỷ lệ người hút thuốc bị bệnh mạch vành cao gấp 2-4 lần so với người không hút thuốc.
Người thường xuyên hút thuốc cần làm gì để phòng ngừa và cải thiện đột quỵ?
Đối với người đang hút thuốc lá thì điều đầu tiên để phòng ngừa bệnh tật nói chung, đột quỵ não nói riêng là phải từ bỏ thói quen này. Đây là phương pháp quan trọng hàng đầu. Mặc dù việc bỏ thuốc có thể rất khó khăn với nhiều người nhưng nếu thực sự muốn tránh được những hậu quả nặng nề của đột quỵ như tử vong hay liệt nửa người, méo miệng, mờ mắt, mất trí nhớ… thì bạn cần cai thuốc lá càng sớm càng tốt.
Ngoài việc bỏ thuốc lá, bạn cũng cần xây dựng chế độ sống lành mạnh, tích cực để cải thiện sức khỏe toàn trạng. Các chuyên gia khuyên bạn nên:
- Sinh hoạt khoa học, điều độ: Hãy ngủ đủ giấc, tránh thức khuya, làm việc điều độ, hạn chế căng thẳng, mệt mỏi.
- Ăn uống lành mạnh: Bạn nên bổ sung nhiều rau xanh, trái cây, các thực phẩm giàu vitamin, chất xơ và hạn chế ăn đồ chiên xào, thực phẩm chế biến sẵn, đặc biệt tránh xa những món nhiều muối hay mỡ động vật.
- Tập thể dục thường xuyên: Hãy dành ra ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập thể dục thể thao với những bài tập phù hợp.
- Điều trị các bệnh lý nguy cơ: Tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch... là những yếu tố nguy cơ hàng đầu của đột quỵ. Bạn cần phối hợp tích cực với các bác sĩ để điều trị những bệnh này. Bên cạnh đó, nếu có điều kiện, hãy tiêm vắc-xin cúm, vắc-xin chống nhiễm trùng và vắc-xin phế cầu khuẩn – những loại vắc-xin được cho là có tác dụng giảm nguy cơ đột quỵ ở người trưởng thành.
Nên tích cực điều trị bệnh tim mạch để ngăn ngừa và cải thiện đột quỵ
Xem thêm: Người trẻ có bị đột quỵ không?