Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não là tình trạng tổn thương mạch máu đột ngột gây ra các di chứng như liệt, cấm khẩu, rối loạn trí nhớ, nặng nhất có thể tử vong. Đột quỵ có hai nguyên nhân gây ra là nhồi máu não và xuất huyết não. Phần nào tổn thương sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động của bộ phận tương ứng mà não chỉ huy.
Những đối tượng có nguy cơ đột quỵ
Các nghiên cứu trên thế giới ghi nhận, những đối tượng sau có khả năng bị đột quỵ hoặc nguy cơ đột quỵ tái phát cao:
- Người bị tăng huyết áp, đây là đối tượng nguy cơ hàng đầu dẫn tới đột quỵ.
- Người bị bệnh đái tháo đường.
- Người bị bệnh lý tim mạch.
- Người bị bệnh mỡ máu, béo phì.
- Người ít vận động.
- Người hút thuốc lá và sử dụng nhiều rượu bia.
- Người cao tuổi ( người từ 55 tuổi trở lên nguy cơ bị đột quỵ cao hơn người trẻ).
- Người có tiền sử đột quỵ hoặc gia đình có người bị đột quỵ.
Hậu quả đột quỵ để lại
Tùy vào mức độ bị bệnh và vị trí tổn thương của não mà hậu quả gây ra có thể khác nhau. 1/3 bệnh nhân đột quỵ có thể phục hồi các chức năng vận động một cách hoàn toàn, 1/3 cải thiện chức năng vận động 1 phần, và 1/3 còn lại không có cải thiện. Các hậu quả của đột quỵ gây ra là:
- Yếu nhẹ nửa người hoặc liệt hoàn toàn nửa người (liệt hẳn một bên cơ thể)
- Giảm và mất cảm giác một bên cơ thể.
- Rối loạn ngôn ngữ, khó nói thành từ hoặc khó hiểu những điều đang nói. Lứu lưỡi khó diễn đạt để người khác hiểu được.
- Khó ăn uống, khó nuốt và dễ bị sặc trong khi ăn. Do vậy quá trình cho ăn đối với bệnh nhân tai biến cần thức ăn lỏng, giàu dinh dưỡng, dễ nuốt, dễ tiêu.
- Thị lực giảm hoặc mất thị lực, tình trạng có thể phục hồi khi bệnh tiến triển tốt trong điều trị.
- Dễ thay đổi cảm xúc, dễ cáu giận, thiếu tính hợp tác với bác sĩ hoặc người thân.
- Rối loạn trí nhớ, có thể quên một phần kí ức hoặc khó nhớ, khả năng giải quyết vấn đề kém.
Các dấu hiệu nhận biết đột quỵ sớm
Nguy hiểm khi bị đột quỵ ai cũng thấy, và việc phát hiện điều trị đột quỵ sớm sẽ giúp bệnh nhân tránh được những di chứng nặng nề này.
Một số dấu hiệu sau đây giúp chúng ta có thể phát hiện sớm trường hợp bị đột quỵ, để có cấp cứu và xử lí kịp thời:
- Đầu đột ngột đau dữ dội, không rõ nguyên nhân.
- Đột ngột hoa mắt, chóng mặt, mất thăng bằng.
- Thị lực đột ngột bị giảm, nhìn mờ hoặc méo vật ở một hoặc cả 2 mắt.
- Đột ngột nói mất tự chủ, rối loạn ngôn ngữ.
- Đột ngột tê, yếu ở chân, tay, mặt, hoặc liệt nửa người.
Các triệu chứng của đột quỵ xảy ra đột ngột, chính vì vậy khi phát hiện ra ai bị một trong những triệu chứng trên nhanh chóng đưa người bị đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Phòng ngừa đột quỵ
Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ như: tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu, bệnh tim mạch, quá căng thẳng, xơ vữa động mạch, hút thuốc lá, lạm dụng sử dụng rượu bia… Đột quỵ xảy ra do không kiểm soát tốt các yếu tố gây bệnh. Vì vậy việc phòng bệnh nên đẩy lùi các nguy cơ trên bằng cách:
- Điều trị huyết áp cao, tiểu đường, mỡ máu nếu mắc phải.
- Bỏ thuốc hoặc tránh xa khói thuốc lá. Sử dụng rượu bia có chừng mực.
- Tập thể dục hàng ngày như một thói quen để rèn luyện sức khỏe.
- Có chế độ ăn lành mạnh, giảm muối, đường, mỡ, thực phẩm giàu cholesterol. Kiểm soát trọng lượng cơ thể hợp lí.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ, tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc điều trị từ bác sĩ.
- Sống vui vẻ, lạc quan, tránh căng thẳng, thức khuya…