Đột quỵ ban đêm là trường hợp ít gặp nhưng lại có tính chất nguy hiểm, đe dọa tính mạng và sức khỏe của người bệnh hơn khi xảy ra vào ban ngày. Vậy cụ thể, đột quỵ ban đêm nguy hiểm như thế nào? Chúng ta cần làm gì để ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ nói chung và đột quỵ ban đêm nói riêng? Hãy cùng tìm hiểu!

Đột quỵ ban đêm nguy hiểm như thế nào?

Đột quỵ (hay còn gọi tai biến mạch máu não) là tình trạng xảy ra khi dòng máu lưu thông lên não đột ngột ngưng trệ, não bộ không được cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng sẽ dần hoại tử, mất khả năng kiểm soát các chức năng trên cơ thể, gây ra những di chứng như: Liệt nửa người, méo miệng, co cơ, mờ mắt… thậm chí là tử vong.

Về thời điểm khởi phát, đột quỵ thường xảy ra vào sáng sớm bởi lúc này, huyết áp tăng cao, lưu lượng máu lên não hạ thấp, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông gây tắc mạch. Tuy nhiên, điều đó không phải đột quỵ chỉ xảy ra vào sáng sớm mà bệnh này có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Không ít trường hợp đột quỵ ban đêm đã được ghi nhận. Trường hợp này tuy xác suất thấp hơn nhưng lại có những khía cạnh nguy hiểm hơn hẳn so với cơn đột quỵ khởi phát vào ban ngày, đó là:

Khó phát hiện

Ban đêm là thời điểm con người cần được nghỉ ngơi, thư giãn. Nếu bị đột quỵ trong thời gian này mà bệnh nhân không kịp tri hô, người nhà đang “say giấc nồng” sẽ khó phát hiện để giúp đưa người bệnh tới cơ sở y tế kịp thời. Trong khi đó, đột quỵ lại là bệnh cần được phát hiện sớm và cấp cứu ngay lập tức. Việc nhận biết chậm trễ khó thể làm lỡ “thời gian vàng” trong điều trị đột quỵ. Từ đó, hiệu quả điều trị có thể không cao mà lại tốn kém thời gian và tiền bạc hơn.

Tâm lý chờ đợi, coi nhẹ dấu hiệu của đột quỵ

Một số trường hợp, dù đã phát hiện ra người bên cạnh có những dấu hiệu rõ rệt của đột quỵ nhưng vì là ban đêm, nhiều người không đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay mà cố khuyên bệnh nhân đi ngủ, chờ cho các triệu chứng tự thoái lui hoặc khi trời sáng mới đến bệnh viện. Suy nghĩ và cách xử trí sai lầm như vậy cũng là lí do khiến cho bệnh tiến triển nặng, gây nguy cơ tử vong cao và di chứng nặng nề hơn cho người bị đột quỵ.

Xem thêm: Người trẻ có bị đột quỵ không?

Làm gì để phòng ngừa đột quỵ?

Để phòng ngừa đột quỵ, có 3 “đầu mục” chính mà bạn cần hoàn thành, đó là:

Điều trị các bệnh nguy cơ

Hầu hết người bệnh đột quỵ đều có các yếu tố nguy cơ từ trước, đó là những bệnh về tim và mạch máu như: Tăng huyết áp, rung nhĩ, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, bệnh tim… cùng thói quen sống thiếu lành mạnh: Hút thuốc, uống rượu bia, lười vận động, thức khuya,… Bạn cần kiểm soát chặt chẽ các yếu tố này để phòng ngừa đột quỵ hiệu quả.

Tập thể dục

Việc tập thể dục sẽ giúp tăng cường sức khỏe tổng thể và đây cũng là cách hiệu quả để làm giảm nguy cơ đột quỵ. Hãy cố gắng luyện tập ít nhất 30 phút/ngày với những bài tập phù hợp. Đồng thời, nên thường xuyên nghỉ ngơi, thư giãn để giải tỏa căng thẳng thần kinh.

Ăn uống khoa học

Chế độ ăn giàu vitamin và chất chống oxy hóa, nhiều rau quả, ít mỡ động vật, ít muối… sẽ giúp tăng cường sức khỏe tổng thể và hạn chế nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, trong đó có đột quỵ.

 Sống lành mạnh giúp giảm nguy cơ đột quỵ

Sống lành mạnh giúp giảm nguy cơ đột quỵ

Xem thêm: Co cứng cơ sau đột quỵ cải thiện như thế nào?