Những ngày gần đây, giới y học toàn cầu đang bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về khả năng tạo thành những cục máu đông làm tắc mạch gây đột quỵ của chủng virus viêm phổi cấp mới. Thực trạng này khiến nhiều người muốn tìm hiểu rõ hơn về bệnh đột quỵ để có thể xử lý kịp thời trong trường hợp virus không có triệu chứng rõ ràng. Hãy cùng tìm hiểu cụ thể trong bài viết này!

Virus viêm phổi không chỉ phá hủy phổi

Theo một báo cáo của Trung tâm Y tế Mount Sinai (New York), virus gây nên dịch viêm phổi cấp mà cả thế giới đang tìm cách đối phó không chỉ làm tổn thương phổi mà còn có thể gây đột quỵ, ngay cả với những người khỏe mạnh ở độ tuổi 30 – 40. Thomas Oxley, bác sĩ phẫu thuật thần kinh tại Trung tâm Y tế Mount Sinai cho biết, chỉ trong 2 tuần vừa rồi, tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ tới cấp cứu tại trung tâm này đã tăng gấp 7 lần so với trước. Trong đó, ít nhất 1 bệnh nhân đã chết, số khác đang trong giai đoạn hồi phục chức năng, chăm sóc tích cực sau đột quỵ. 

Bác sĩ Thomas Oxley cho biết, bản thân ông đã gặp và điều trị cho 5 bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ do cục máu đông làm tắc mạch, và điều đáng chú ý là 5 bệnh nhân này dương tính với virus viêm phổi dù không có bất kỳ triệu chứng nào. Với những trường hợp này, cách điều trị hiệu quả nhất là loại bỏ cục máu đông. Ca phẫu thuật mất ít nhất 6 giờ, thậm chí là cả ngày.

Trước đó, báo cáo của Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ) cho thấy, virus viêm phổi cấp có thể gây ra những cục máu đông bất thường ở động mạch. Cục máu đông dần phát triển, nằm ở một trong những động mạch lớn nhất não và làm tắc mạch. Khi đó, các tế bào não không được cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng sẽ bị suy giảm chức năng nghiêm trọng và hoại tử. Máu ngừng lưu thông càng lâu, số lượng tế bào não hoại tử càng nhiều, tổn thương càng lan rộng. 

Tại Việt Nam, bệnh nhân phi công người Anh cũng rơi vào tình trạng rối loạn đông máu phức tạp sau khi nhiễm virus viêm phổi cấp. Trên một bệnh nhân có nền tảng sức khỏe tốt như vậy nhưng nó vẫn phá hủy nghiêm trọng phổi cũng như khiến máu đông bất thường, trong khi cơ thể người này không đáp ứng các thuốc chống đông hiện có, buộc đội ngũ chuyên gia phải đặt mua thuốc hiếm từ nước ngoài về để điều trị.

Xem thêm: Một số bệnh nền làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người cao tuổi

Đột quỵ do cục máu đông làm tắc mạch có biểu hiện như thế nào?

Thực trạng đáng báo động trên đặt ra mối lo ngại đối với sức khỏe của toàn dân. Bản thân đột quỵ đã là một bệnh lý nguy hiểm. Nếu bệnh xuất phát từ nguyên nhân virus gây viêm phổi thì 2 bệnh cùng lúc phá hủy cơ thể sẽ gây ra khó khăn trong quá trình điều trị. Nguy hiểm hơn nữa, nhiều người không biết mình bị nhiễm virus bởi họ không có triệu chứng, chỉ đến khi cơn đột quỵ xảy ra, đi cấp cứu được xét nghiệm thì mới phát hiện. Lúc đó, nhiều người đã rơi vào tình trạng nguy kịch. Vậy, nếu bệnh viêm phổi do virus không gây triệu chứng, chúng ta làm thế nào để nhận biết sớm các dấu hiệu của đột quỵ, hạn chế tối thiểu các di chứng? Hãy ghi nhớ công thức FAST (nhanh chóng) như sau:

- F (Face – Mặt): Một bên mặt đột ngột chảy xuống, lệch hẳn đi.

- A (Arm – Tay): Một bên tay và chân đột ngột không có sức di chuyển, không cử động được.

- S (Speak – Nói): Người bệnh bỗng dưng khó nói, nói ú ớ hoặc không hiểu người khác nói gì.

- T (Time – Thời gian): Khi nhận thấy 3 dấu hiệu kể trên, hãy tiết kiệm thời gian, đến cơ sở y tế nhanh nhất có thể. 

Trên thực tế, đột quỵ được chia thành 2 loại: Xuất huyết não (do mạch máu não bị tắc) và nhồi máu não (do cục máu đông làm tắc mạch). Tình trạng đột quỵ do virus viêm phổi cấp gây ra thuộc loại nhồi máu não. Tuy nhiên, triệu chứng của cả 2 loại đột quỵ này đều như nhau, được tóm gọn lại theo công thức FAST nêu trên. Dù chưa xác định được loại nào nhưng cứ thấy những triệu chứng này thì người bệnh đều nên nhanh chóng gọi cấp cứu để được xử trí kịp thời, hạn chế những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Xem thêm: Điều trị đột quỵ bằng phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn