Phẫu thuật ít xâm lấn cho bệnh nhân đột quỵ xuất huyết não là phương pháp mới được áp dụng tại một số bệnh viện lớn ở Việt Nam. Phương pháp này đã chứng minh hiệu quả tích cực khi giúp bệnh nhân hạn chế tổn thương và phục hồi tốt hơn so với một số phương pháp truyền thống. Mời bạn cùng tìm hiểu cụ thể hơn trong bài viết sau.

Đột quỵ xuất huyết não là gì?

Đột quỵ là tình trạng một phần não bị tổn thương do dòng máu lên não đột ngột gián đoạn. Xuất huyết não là một trong hai dạng của đột quỵ, xảy ra khi mạch máu não bị vỡ, chiếm gần 20% trường hợp. Dạng còn lại là nhồi máu não, xảy ra khi mạch máu não bị tắc do có cục máu đông cản trở, chiếm hơn 80% trường hợp. 

Khi cơn đột quỵ xuất huyết não khởi phát, máu từ khu vực bị vỡ tràn ra ngoài, thấm vào các mô não xung quanh và gây viêm, phù não. Tuy chiếm chưa tới 15% tổng số ca bệnh nhưng đột quỵ xuất huyết não nguy hiểm hơn nhiều so với đột quỵ nhồi máu não và có thể gây tử vong chỉ trong vài phút ngắn ngủi. 

Đột quỵ xuất huyết não lại được chia thành 2 loại dựa vào vị trí mạch máu não bị vỡ. Cụ thể:

Xuất huyết nội sọ: Tình trạng này xảy ra khi một mạch máu phía trong não bị vỡ. Các yếu tố nguy cơ của loại đột quỵ này bao gồm: Phình động mạch, huyết áp cao, sử dụng quá nhiều rượu bia hoặc chất kích thích. 

Xuất huyết dưới nhện: Xảy ra khi một mạch máu trên bề mặt não bị vỡ. Lúc này, máu tràn ra lấp đầy một phần không gian giữa não và hộp sọ (được gọi là khoang nhện), làm tăng áp lực cho não, gây đau đầu dữ dội. 

Xem thêm: Tầm soát đột quỵ định kỳ để phòng ngừa chứng bệnh khiến hơn 100.000 người Việt tử vong mỗi năm

Các phương pháp điều trị đột quỵ xuất huyết não hiện nay

Điều trị đột quỵ xuất huyết não có 3 giai đoạn chính: Điều chỉnh huyết áp, chống phù não và điều trị tích cực. Cụ thể như sau:

Điều chỉnh huyết áp

Theo Tổ chức Y tế thế giới, có tới 85% bệnh nhân đột quỵ xuất huyết não xảy ra triệu chứng tăng huyết áp. Tuy nhiên, cần phân biệt giữa tăng huyết áp phản ứng và bệnh nhân có tiền sử huyết áp cao. Nếu bệnh nhân bị tăng huyết áp phản ứng thì số đo huyết áp tâm thu ít khi vượt quá 180mmHg, không cần điều chỉnh huyết áp, sau 3 - 5 ngày huyết áp sẽ trở lại bình thường.

Với người bệnh đột quỵ có tiền sử huyết áp cao, chỉ số huyết áp tâm thu thường lớn hơn 180mmHg và có triệu chứng tổn thương đáy mắt, tổn thương thận,… Khi đó, cần hạ huyết áp từ từ (thường đưa về mức 160 - 170 mmHg trong tuần đầu, sau đó giảm dần xuống mức 140/90mmHg).

Chống phù não

Phù não thường xuất hiện từ 2 - 3 giờ sau khi cơn đột quỵ khởi phát, kéo dài khoảng 5 - 10 ngày, gây tăng áp lực nội sọ. Để chống phù não, trước hết, các chuyên gia sẽ để bệnh nhân nằm ở tư thế đầu cao khoảng 300 để tránh cản trở máu từ tĩnh mạch trở về, chống tăng thân nhiệt, cung cấp oxy và chống co giật. Đồng thời, người bệnh có thể được kê một số loại thuốc như: Mannitol, Glycerol, Magie Sunphat, huyết thanh mặn ưu trương,… để giảm độ nhớt máu, ổn định huyết áp, giảm áp lực nội sọ.

Điều trị tích cực

Điều trị đột quỵ xuất huyết não cần xác định căn nguyên chảy máu là do vỡ túi phình động mạch hay vỡ ổ dị dạng động – tĩnh mạch. Nếu là xuất huyết do vỡ túi phình động mạch thì phải chụp mạch não và tiến hành đặt stent để ngăn máu chảy. Nếu là xuất huyết do vỡ khối dị dạng động – tĩnh mạch thì phải bơm chất gây tắc (với khối dị dạng lớn) hoặc chiếu tia xạ (với khối dị dạng nhỏ).

Một số người bị đột quỵ nghiêm trọng, máu chảy ra rồi tụ lại, làm tăng áp lực não. Với những trường hợp này, bác sĩ có thể phải tiến hành phẫu thuật mở xương sọ để loại bỏ khối máu tụ, khôi phục khoảng trống cho các tế bào thần kinh. Đây là phương pháp điều trị phức tạp, mạo hiểm, đòi hỏi bác sĩ phải có tay nghề cao và phương tiện hỗ trợ đầy đủ.

Ngoài phẫu thuật, điều trị xuất huyết não cũng cần dùng thuốc. Nếu vị trí chảy máu ở dưới khoang nhện hoặc ở vị trí khác nhưng tràn ra não thất, bệnh nhân thường được truyền thuốc chống co thắt mạch máu não qua đường tĩnh mạch.

Xem thêm: Muốn nhanh chóng phục hồi chức năng sau đột quỵ, chỉ cần làm điều này 3 lần mỗi tuần

Phẫu thuật ít xâm lấn – Hy vọng mới cho bệnh nhân đột quỵ xuất huyết não

Vừa qua, một bệnh viện đã tiếp nhận một nam bệnh nhân 58 tuổi bị đột quỵ xuất huyết não với triệu chứng đau đầu dữ dội, liệt nửa người, ý thức kém và dần rơi vào tình trạng hôn mê sâu. Bệnh nhân được hỗ trợ thở máy và hồi sức tích cực. Trên phim chụp CT sọ não, bệnh nhân này được chẩn đoán xuất huyết não bán cầu trái nên được mổ cấp cứu với phương pháp mổ ít xâm lấn. Sau một tuần, tình trạng bệnh nhân tốt lên, có thể tự thở và khôi phục ý thức, gọi hỏi trả lời tốt. Sau 2 tuần, bệnh nhân được xuất viện trong tình trạng tỉnh táo nhưng bị liệt nửa người. 

Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây đột quỵ xuất huyết não chủ yếu do tăng huyết áp, chiếm khoảng 80% trường hợp. Bên cạnh đó, những yếu tố như: Phình mạch não, dị dạng mạch não, các khối u tân sinh,... cũng là nguyên nhân gây đột quỵ xuất huyết não.

Phương pháp mổ truyền thống cho bệnh nhân đột quỵ xuất huyết não như đã nhắc đến ở phần trên có nhược điểm là ảnh hưởng đến các tế bào não lành, có thể để lại nhiều biến chứng sau mổ. Còn với phương pháp mổ ít xâm lấn, người bệnh sẽ chỉ có vết mổ nhỏ (dài 6cm), giảm thiểu tối đa tổn thương não lành, biến chứng cũng như nguy cơ nhiễm trùng sau mổ, tỷ lệ tử vong thấp hơn và có thể đã cải thiện tiên lượng của bệnh nhân.

Vì phẫu thuật ít xâm lấn là một kỹ thuật khó nên đòi hỏi phải là phẫu thuật viên giàu kinh nghiệm mới thực hiện được. Phương pháp này cũng chỉ áp dụng cho bệnh nhân được cấp cứu kịp thời (trong 24 giờ kể từ khi cơn đột quỵ khởi phát). Theo báo cáo, thời gian phẫu thuật trung bình theo phương pháp ít xâm lấn là 120 phút/ca, người bệnh nằm viện trung bình 18 ngày. Biến chứng thường gặp sau mổ là: Nhiễm trùng hô hấp (25%), loét chèn ép và nhiễm trùng tiết niệu sau mổ (20%),... 

Đặc biệt, sau khi điều trị bằng phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn, có 22,5% bệnh nhân khỏi hoàn toàn, chỉ 7,5% bệnh nhân tử vong do khối máu tụ quá lớn và chảy máu tái phát sau phẫu thuật. Khi ra viện, 52,5% bệnh nhân bị tàn tật, 20% bệnh nhân phục hồi tốt. 

Xem thêm: Đột quỵ tiểu não là gì? Bệnh nguy hiểm như thế nào?