Đột quỵ thường được biết đến với 2 loại là xuất huyết não và nhồi máu não. Tuy nhiên, có một loại ít phổ biến hơn nhưng cũng rất nguy hiểm là đột quỵ tiểu não. Vậy đột quỵ tiểu não là gì? Triệu chứng và cách điều trị bệnh ra sao? Hãy cùng theo dõi những thông tin trong bài viết này để tìm câu trả lời. 

Đột quỵ tiểu não là gì?

Não là trung tâm của hệ thần kinh trung ương, có chức năng điều khiển mọi hoạt động của cơ thể. Đột quỵ là tình trạng một vùng não bị tổn thương, xảy ra khi mạch máu não đột ngột bị tắc hoặc vỡ. Bệnh được chia thành 2 loại chính là đột quỵ xuất huyết não (do vỡ mạch máu não) và đột quỵ nhồi máu não (do mạch máu não bị tắc)

Đột quỵ tiểu não - một trong những loại đột quỵ ít phổ biến, còn được gọi là hội chứng đột quỵ tiểu não. Tình trạng này cũng xảy ra khi một mạch máu bị tắc hoặc vỡ, nhưng ảnh hưởng đến một phần hoặc toàn bộ tiểu não. Đây là vùng não kiểm soát chuyển động và duy trì sự cân bằng, nằm ở phía sau, bên dưới não, gồm 2 nửa đối xứng được gọi là 2 bán cầu tiểu não. Mỗi bán cầu tiểu não kiểm soát chuyển động của bên cơ thể đối xứng (bán cầu tiểu não phải sẽ kiểm soát chuyển động của nửa bên trái cơ thể và ngược lại). 

Tiểu não được nuôi dưỡng bởi 3 động mạch: Động mạch tiểu não dưới trước, động mạch tiểu não dưới sau và động mạch tiểu não cao cấp. Khi có cục máu đông xuất hiện ở bất kỳ động mạch não trong số này, đột quỵ tiểu não sẽ xảy ra. Tình trạng này tuy hiếm gặp nhưng nếu không được điều trị kịp thời, đột quỵ tiểu não có thể khiến não của người bệnh sưng lên hoặc chảy máu, đe dọa đến tính mạng.

Xem thêm: Nguyên nhân gây đột quỵ não là gì?

Nguyên nhân và triệu chứng của đột quỵ tiểu não

Đột quỵ tiểu não thường do cục máu đông xuất hiện, cản trở máu lưu thông đến tiểu não. Các cục máu đông có thể hình thành ngay trong tiểu não hoặc đi từ những bộ phận khác của cơ thể (chẳng hạn như tim hoặc cổ) đến khi mắc kẹt trong những mạch máu dẫn đến tiểu não. Ngoài ra, đột quỵ tiểu não cũng có thể là kết quả của vỡ mạch máu não hoặc chấn thương đầu, làm ngưng trệ lưu lượng máu bình thường. 

Vậy tại sao lại xảy ra tình trạng này? Theo các chuyên gia, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ tiểu não, bao gồm: Tăng huyết áp, cholesterol cao, bệnh tiểu đường, xơ vữa động mạch, hẹp động mạch, hút thuốc, béo phì, không hoạt động thể chất,…

Cũng giống như những loại đột quỵ phổ biến, triệu chứng của đột quỵ tiểu não xảy ra đột ngột và dễ nhầm lẫn với một số tình trạng khác như: Chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, run tay chân, hoa mắt. Một số triệu chứng rõ ràng hơn có thể bao gồm: Chân tay phối hợp kém, phản xạ chậm, khó nhai nuốt, khó nói hoặc nói chậm, mất kiểm soát chuyển động mắt, ngất,…

Xem thêm: Bệnh đột quỵ và cách phòng tránh hiệu quả

Điều trị đột quỵ tiểu não như thế nào?

Trước khi chính thức điều trị, người bệnh cần được đánh giá kỹ lịch sử y tế và những triệu chứng đã gặp phải. Để xác định có phải là đột quỵ tiểu não hay không, phương pháp xét nghiệm hình ảnh, bao gồm chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp vi tính (CT) sẽ được thực hiện. Trong đó, phương pháp chụp MRI được ưu tiên, bởi nó có thể hiển thị hình ảnh tiểu não rõ ràng hơn so với chụp CT do tiểu não nằm ở phía sau và bao quanh bởi lớp xương dày.

Sau khi đã được chẩn đoán chính xác, các chuyên gia sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Nếu có xuất huyết não, bác sĩ sẽ nhanh chóng thực hiện phương pháp cầm máu, giảm phù nề.  

Trong trường hợp đột quỵ tiểu não do có cục máu đông, người bệnh cần phải phẫu thuật hoặc dùng thuốc làm tan nó. Đồng thời, người bệnh cũng có thể được đề nghị dùng thêm một số loại thuốc để kiểm soát huyết áp, ngăn ngừa co giật và làm loãng máu. 

Sau quá trình cấp cứu, nếu cơn đột quỵ tiểu não ảnh hưởng đến kỹ năng vận động, bệnh nhân cần trị liệu phục hồi chức năng thông qua các phương pháp:

- Vật lý trị liệu: Giúp cải thiện khả năng vận động, giữ thăng bằng và làm mềm cơ bắp.

- Liệu pháp nghề nghiệp: Giúp cải thiện khả năng thực hiện những hoạt động cá nhân hàng ngày.

- Ngôn ngữ trị liệu: Giúp cải thiện khả năng nói và nhai nuốt. 

Xem thêm: 12 cách phòng ngừa đột quỵ đơn giản bạn có thể thực hiện mỗi ngày