Vì chưa chú trọng tầm soát đột quỵ nên mỗi phút trôi qua, thế giới vẫn có rất nhiều người phải gánh chịu hậu quả nặng nề của bệnh lý này. Đột quỵ chính là “thủ phạm” gây ra hơn 100.000 ca tử vong và hàng trăm nghìn trường hợp tàn tật mỗi năm ở Việt Nam. Tại sao lại như vậy và những ai cần chú ý tầm soát đột quỵ? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau!
Đột quỵ là gì?
Đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình lưu thông máu lên não bất ngờ ngưng trệ. Lúc này, các tế bào não không được nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng sẽ ngưng hoạt động và hoại tử chỉ trong thời gian ngắn, dẫn đến tình trạng những bộ phận cơ thể do phần não đó điều khiển mất khả năng hoạt động bình thường, thậm chí gây tử vong. Cũng có nhiều trường hợp, người bệnh được cứu sống nhưng phải gánh chịu những di chứng nặng nề như: Liệt nửa người, suy giảm thị lực, méo mặt, mất trí nhớ…
Đột quỵ được chia thành 2 loại:
- Đột quỵ thiếu máu não cục bộ: Đây là trường hợp xảy ra khi mạch máu não bị tắc do có cục máu đông xuất hiện và làm tắc mạch. Khi đó, một vùng não sẽ bị tổn thương do không được cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng.
- Đột quỵ xuất huyết não: Tình trạng này xảy ra khi một mạch máu trong não bị vỡ, máu tràn ra khiến các mô não xung quanh bị viêm, phù.
Tại sao cần tầm soát đột quỵ định kỳ?
Đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm hàng đầu thế giới. Yếu tố nguy hiểm nhất là bệnh thường xảy đến đột ngột và không có dấu hiệu báo trước nào. Chính vì vậy, tầm soát đột quỵ có vai trò vô cùng quan trọng. Đây là việc phát hiện và giải quyết những yếu tố nguy cơ từ sớm để thông qua đó, người bệnh có thể “dập tắt” cơn đột quỵ trước khi nó kịp “nhen nhóm” phát triển.
Khi thực hiện tầm soát đột quỵ, bạn sẽ nhận được những lợi ích lớn như:
- Phát hiện sớm các chỉ số không tốt của cơ thể, từ đó bạn có thể kịp thời điều chỉnh lối sống phù hợp.
- Được chuyên gia tư vấn và giải thích cặn kẽ về những dấu hiệu đột quỵ bạn có thể gặp phải.
- Điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm nhờ những phương pháp hiện đại mà đơn giản, ít tốn kém, không hoặc ít ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như thẩm mỹ.
Xem thêm: Nguyên nhân gây đột quỵ não là gì?
Những ai cần tầm soát đột quỵ?
Việc tầm soát đột quỵ tuy là điều nên làm nhưng chưa nhiều người thực hiện, chỉ đến khi bệnh đã xảy ra thì họ mới lo chạy chữa. Trên thực tế, những người có sức khỏe tốt, không mắc các bệnh về tim mạch có thể chỉ cần tiếp tục chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tại nhà. Tuy nhiên, những đối tượng sau nên chú ý tầm soát đột quỵ:
Người có thành viên trong gia đình bị đột quỵ
Đột quỵ không di truyền, nhưng nếu có người thân từng bị đột quỵ, nguy cơ mắc bệnh của bạn sẽ cao hơn bởi mọi người trong gia đình thường chia sẻ nếp sống, thói quen sinh hoạt cũng như một số bệnh lý nguy cơ giống nhau, chẳng hạn như các bệnh về tim.
Người mắc bệnh tiểu đường
Tiểu đường là tình trạng rối loạn chuyển hóa cacbohydrat, mỡ và protein trong cơ thể, biểu hiện bằng lượng đường trong máu luôn cao. Đây là bệnh mạn tính, không lây, thường diễn tiến âm thầm, dễ dẫn đến biến chứng về tim mạch, trong đó có đột quỵ. Người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn từ 2 đến 4 lần so với người bình thường.
Người mắc bệnh cao huyết áp
Cao huyết áp là tình trạng áp lực của máu lên thành mạch thường xuyên ở mức cao (trên 140/90 mmHg), khiến mạch máu suy yếu, dễ hình thành mảng xơ vữa động mạch hoặc các cục máu đông trong não – tác nhân gây đột quỵ. Do vậy, người bệnh cao huyết áp phải đặc biệt chú ý tầm soát đột quỵ.
Người có chỉ số cholesterol cao
Cholesterol cao có xu hướng hình thành mảng bám, làm hẹp lòng mạch và gây xơ cứng mạch máu. Không những thế, cholesterol cao còn làm mạch máu suy yếu, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, cản trở việc cung cấp máu lên não
Người có bệnh lý tim mạch
Tim có chức năng bơm máu đi khắp cơ thể. Các bệnh về tim như: Rung nhĩ, nhồi máu cơ tim, suy tim,… có thể khiến quá trình bơm máu bị ảnh hưởng, máu không lưu thông tốt dễ hình thành nên các cục máu đông gây tắc mạch máu. Do vậy, người mắc bệnh tim mạch cũng cần chủ động phòng ngừa, tầm soát đột quỵ.
Người hút thuốc lá hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc
Khói thuốc lá có thể gây viêm trong mạch máu, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông dẫn đến đột quỵ. Theo một số nghiên cứu, những người thường xuyên hút thuốc có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 5 lần so với người không hút.
Xem thêm: Muốn nhanh chóng phục hồi chức năng sau đột quỵ, chỉ cần làm điều này 3 lần mỗi tuần