Những loại đồ uống có cồn, điển hình là rượu và bia, luôn thuộc nhóm sản phẩm làm tăng nguy cơ đột quỵ. Vậy cụ thể, uống rượu bia gây đột quỵ như thế nào? Liệu chúng ta có thể phòng ngừa đột quỵ tốt trong khi vẫn uống rượu bia được hay không? Hãy cùng tìm hiểu về vấn đề này trong bài viết dưới đây!

Đột quỵ là gì?

Đột quỵ (hay tai biến mạch máu não) là tình trạng não bộ bị tổn thương do tắc hoặc vỡ mạch máu não. Lúc này, một hoặc nhiều vùng não không được cung cấp đủ oxy và dưỡng chất để có thể hoạt động bình thường. Do đó, não sẽ giảm hoặc ngừng hẳn hoạt động, mất chức năng điều khiển các cơ quan khác. 

Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau bệnh ung thư và tim mạch. Nếu may mắn không tử vong, bệnh nhân đột quỵ vẫn có thể bị tàn tật với những di chứng như: Liệt, mất ngôn ngữ, nói ngọng, mất trí nhớ…

Bệnh đột quỵ được chia thành 2 loại: Nhồi máu não (chiếm hơn 80% trường hợp) xảy ra khi mạch máu não bị tắc do cục máu đông còn xuất huyết não (chiếm gần 20% trường hợp) xảy ra khi mạch máu não bị vỡ. Xuất huyết não tuy chỉ chiếm một phần nhỏ nhưng lại nguy hiểm hơn, tỷ lệ tử vong và di chứng nặng nề hơn so với nhồi máu não. 

Đột quỵ thường xảy ra ở những người trong độ tuổi từ trung niên đến cao tuổi (từ trên 50 tuổi), đặc biệt là đối tượng mắc các bệnh liên quan đến tim và mạch máu như: Tăng huyết áp, tiểu đường, rung nhĩ, suy tim,... Tuy nhiên, hiện nay, có không ít người trẻ cũng bị đột quỵ và tỷ lệ này đang ngày càng tăng lên, đặt ra thách thức lớn cho toàn xã hội.

Xem thêm: Tại sao nhiều người béo phì bị đột quỵ?

Uống rượu bia gây đột quỵ như thế nào?

Rượu và bia là 2 loại đồ uống rất phổ biến, nhất là với nam giới. Tuy nhiên, đây lại là thức uống “hại nhiều hơn lợi”. Ngay khi được tiếp nhận vào cơ thể, rượu bia sẽ gây ra những triệu chứng tổn thương tim mạch đầu tiên là: Tăng nhịp tim, khó thở, thậm chí đau đầu… 

Theo một nghiên cứu trên 500.000 người do các chuyên gia của Đại học Oxford (Mỹ) và Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) thực hiện, những người uống 4 ly rượu mỗi ngày có nguy cơ đột quỵ cao hơn tới 38% so với người không hoặc ít uống rượu. Uống càng nhiều, nguy cơ đột quỵ càng tăng. 

Lý giải điều này, các chuyên gia cho biết: Khi đi vào cơ thể, rượu bia có thể làm giảm đột ngột số lượng hồng cầu trong máu, từ đó gây thiếu máu, mệt mỏi, khó thở, chóng mặt… Không những thế, độ dính của tiểu cầu cũng tăng, có khuynh hướng tạo thành cục máu đông – nguyên nhân gây ra hơn 80% số ca đột quỵ. 

Đặc biệt, cồn trong rượu bia hút nước, làm mất kiểm soát sự co giãn của mạch máu, đồng thời gián đoạn quá trình giao cảm của hệ thần kinh, từ đó khiến huyết áp tăng cao. Khi huyết áp tăng, các mạch máu có thể nứt vỡ, tiểu cầu sẽ được “điều động” đến để lấp đầy khe nứt. Các chất béo trong máu cũng có xu hướng tích tụ lại, tạo thành mảng bám gây xơ vữa mạch máu, khiến mạch máu cứng hơn và lòng mạch hẹp lại. Khi những mảng bám này bong ra có thể kết hợp với tiểu cầu tạo thành cục máu đông, chính là tác nhân cơ bản của đột quỵ.

Đồ uống có cồn làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ 

Đồ uống có cồn làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ

Xem thêm: Đột quỵ vì thức khuya: Lời cảnh tỉnh cho những ai còn giữ thói quen xấu!

Người thường xuyên uống rượu bia nên làm gì để phòng ngừa đột quỵ?

Trên thực tế, không có cách nào để giảm nguy cơ đột quỵ trong khi vẫn thường xuyên uống rượu bia. Để phòng ngừa đột quỵ, bạn cần từ bỏ bia rượu. Trong trường hợp bắt buộc phải uống xã giao, hãy ưu tiên uống rượu vang, những loại rượu với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh uống các loại rượu có nồng độ cao. Lượng rượu vang uống trong ngày không nên quá 1 cốc, bia không quá 2 lon. Nếu uống đúng cách, rượu vang còn có thể giúp tăng sức khỏe tim mạch, giảm các gốc tự do, phòng tránh đột quỵ khá tốt.

Bên cạnh đó, bạn cần chú ý uống rượu cách ngày, mỗi tuần nhiều nhất 2-3/lần để các cơ quan thải độc có thời gian nghỉ ngơi, không nên lạm dụng uống rượu bia mỗi ngày. 

Ngoài việc hạn chế uống rượu bia, bạn cũng cần theo dõi huyết áp, nhịp tim,… và điều trị các bệnh lý nguy cơ (nếu có), đồng thời xây dựng lối sống lành mạnh: Không thức khuya, tránh căng thẳng, ăn uống đủ bữa với những món ăn tốt cho tim mạch, luyện tập thể dục thể thao thường xuyên,… để tăng cường sức khỏe tổng thể, hạn chế bệnh tật nói chung và đột quỵ nói riêng.

 Uống rượu vang ở mức độ vừa phải có thể tốt cho tim mạch

Uống rượu vang ở mức độ vừa phải có thể tốt cho tim mạch

Xem thêm: Những ảnh hưởng nặng nề của đột quỵ tới thị lực