Nhiều người biết nhưng không để ý đến chuyện thức khuya là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ. Trong khi đó, đột quỵ vì thức khuya có thể đe dọa tính mạng và làm thay đổi cuộc sống, tương lai của người bệnh theo hướng tiêu cực. Hãy cùng tìm hiểu về tình trạng nguy hiểm này trong bài viết dưới đây!
Tại sao thức khuya gây đột quỵ?
Đột quỵ (hay tai biến mạch máu não) là tình trạng các tế bào não hoại tử, gây tổn thương mô não do không được cung cấp oxy và chất dinh dưỡng kịp thời. Tình trạng này xảy ra khi mạch máu não bị tắc hoặc vỡ, có thể gây nên những di chứng nghiêm trọng như: Liệt nửa người, méo miệng, mất trí nhớ... thậm chí là tử vong.
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ của đột quỵ, thức khuya chính là một trong số đó. Áp lực cuộc sống khiến nhiều người phải lo toan suy nghĩ, làm việc muộn tới khuya. Cũng có những người thức khuya vì mắc bệnh mất ngủ, họ đã tìm đủ mọi cách nhưng vẫn không thể chợp mắt. Theo một nghiên cứu mới từ Viện Karolinska (Thụy Điển), thức khuya, mất ngủ có thể là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý tim mạch nguy hiểm, trong đó có đột quỵ. Người thường xuyên thức khuya có nguy cơ đột quỵ cao hơn 7% so với người ngủ đủ giấc, đúng giờ.
Lý giải tình trạng này, các chuyên gia cho rằng, việc thức khuya thường xuyên sẽ kích thích hệ thần kinh giao cảm, làm tăng nhịp tim, áp lực lên tim và các cơn co thắt trong cơ tim, từ đó khiến tim phải làm việc quá tải, hoạt động bơm máu kém dễ dẫn đến hình thành các cục máu đông.
Không những thế, thức khuya còn có thể làm tăng chỉ số khối cơ thể (BMI) và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 – những yếu tố nguy cơ quen thuộc của đột quỵ.
Xem thêm: 5 dấu hiệu đột quỵ trước 1 tuần và cách phòng ngừa hiệu quả
Làm sao để phòng ngừa đột quỵ vì thức khuya?
Trên thực tế, nhiều người cố gắng ngủ sớm và dậy sớm nhưng đã thất bại. Vậy làm thế nào chúng ta có thể xóa bỏ thói quen thức khuya để ngăn chặn nguy cơ đột quỵ?
Đầu tiên, hãy nâng cao hiệu suất làm việc của bạn. Tại trường học và nơi làm việc, hãy làm ra làm, chơi ra chơi, không nên vừa làm vừa nghịch điện thoại, ăn uống, hóng hớt… Nếu làm việc hiệu quả, bạn có thể kết thúc công việc và trở về nhà, ăn uống nghỉ ngơi sớm hơn.
Thứ hai, hãy tăng cường kỷ luật, tự giác. Thủ phạm chính của việc thức khuya là bạn thiếu tự chủ. Trước khi đi ngủ, nhiều người mở điện thoại, laptop để lên mạng, chơi game, xem phim… Họ đặt giới hạn chỉ lên mạng thêm 10 phút, chơi thêm 1 ván game, xem thêm 1 tập phim… nhưng kết quả là cứ xem hết thứ này đến thứ khác, chơi hết ván nọ đến ván kia, xem hết tập này đến tập khác. Như vậy, thời gian ngủ bị “ăn bớt”, ngày hôm sau cơ thể sẽ trong tình trạng mệt mỏi, lờ đờ, não bộ cũng không có thời gian nạp năng lượng. Do đó, hãy luyện cho mình tính tự giác, nghỉ ngơi hợp lí. Bạn hãy thay đổi từng bước một, mỗi ngày đi ngủ và thức dậy sớm hơn 5 phút. Dần dần, nhịp sinh học sẽ ổn định trở lại.
Bên cạnh việc “giải quyết” thói quen thức khuya, bạn cũng cần chú ý xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể dục thể thao thường xuyên để nâng cao thể trạng, phòng ngừa nhiều bệnh nguy hiểm, trong đó có đột quỵ. Nếu mắc các bệnh về tim và mạch máu như: Tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, rung nhĩ, suy tim… thì hãy điều trị tích cực theo chỉ định của chuyên gia, thường xuyên khám và kiểm soát các chỉ số để kịp thời phát hiện nếu có những dấu hiệu bất thường.
Ăn-ngủ-nghỉ điều độ và luyện tập thường xuyên giúp giảm nguy cơ đột quỵ
Xem thêm: Phù não sau đột quỵ - Tình trạng nguy hiểm cần đặc biệt cảnh giác!