Nhận biết dấu hiệu đột quỵ trước 1 tuần có thể giúp mọi người lên phương án phòng ngừa bệnh tốt hơn hoặc nếu bệnh xảy ra thì nguy cơ tử vong và các di chứng cũng sẽ ít hơn. Vậy cụ thể, dấu hiệu đột quỵ trước 1 tuần bao gồm những gì? Mời bạn cùng tìm hiểu câu trả lời trong nội dung bài viết dưới đây!
Đột quỵ là gì?
Đột quỵ thường được gọi với tên khác là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng xảy ra khi mạch máu não bị tắc hoặc vỡ, khiến cho một hoặc nhiều vùng não bị tổn thương, mất khả năng điều khiển các cơ quan trên cơ thể. Người bị đột quỵ nặng có thể tử vong, nhẹ thì phải gánh chịu những di chứng như: Liệt, méo mặt, mờ mắt, điếc tai,…
Đột quỵ được chia thành 2 loại chính là: Nhồi máu não và xuất huyết não. Cụ thể:
- Nhồi máu não (chiếm hơn 80% trường hợp): Nhồi máu não còn được gọi là thiếu máu não cục bộ, xảy ra khi một động mạch bị cục máu đông làm tắc. Cục máu đông này thường hình thành ở tim do tình trạng xơ vữa mạch máu, tiểu đường, tăng huyết áp… tích tụ. Sau đó, nó theo dòng máu di chuyển lên não và kẹt lại ở vị trí hẹp, gây tắc mạch, cản trở máu lưu thông lên não, khiến tế bào não thiếu hụt oxy nên dần hoại tử, ảnh hưởng đến các chức năng cơ thể mà chúng chi phối.
- Xuất huyết não (chiếm gần 20% trường hợp): Tình trạng này xảy ra do một mạch máu não bị vỡ, khiến máu tràn ra thấm vào mô não, gây tổn thương cho các tế bào não. Đột quỵ thể xuất huyết não thường do huyết áp cao kết hợp với chứng phình động mạch hay dị dạng mạch máu não bẩm sinh,… gây nên.
5 dấu hiệu đột quỵ trước 1 tuần
Đột quỵ thường xảy ra bất ngờ. Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu có thể phát hiện sớm và nếu nhận biết kịp thời, bạn sẽ hạn chế được nguy cơ bị đột quỵ. Dưới đây là một số dấu hiệu đột quỵ trước 1 tuần mà người bệnh có thể gặp phải:
1. Mệt mỏi
Đây là một dấu hiệu không rõ ràng của đột quỵ. Bạn có thể cảm thấy mệt mỏi, không làm được việc nặng, đi lại nhanh mất sức… do tuần hoàn kém, máu lưu thông lên não giảm sút và tim phải làm việc vất vả hơn. Cơ thể suy nhược cũng khiến bạn dễ bị cảm lạnh và sốt nên hãy chú ý nhé!
2. Buồn ngủ, chân tay phù nề
Ngoài mệt mỏi, một số người có thể cảm thấy lúc nào cũng buồn ngủ dù đã ngủ rất nhiều. Trong khi đó, chân tay bị sưng phù. Đây là dấu hiệu đột quỵ khá rõ rệt nhưng ít ai để ý. Tình trạng này xảy ra do máu lưu thông kém, tim phải tăng cường bơm máu trong khi ở các chi, tĩnh mạch phình giãn do bị thiếu máu, gây phù. Nếu thấy có triệu chứng này, bạn hãy nhanh chóng đi kiểm tra để được điều trị kịp thời.
3. Đau tức ngực
Rất nhiều người cho biết, trước khi bị đột quỵ, họ cảm thấy đau tức ngực như có vật gì đè nặng phía trước. Đây là dấu hiệu đột quỵ trước 1 tuần khá phổ biến, chiếm đến khoảng 70%. Cơn đau có thể xuất hiện vào bất kỳ lúc nào, ngay cả khi đang nghỉ ngơi.
4. Khó thở, hơi thở không đều
Hơi thở được kiểm soát bởi hoạt động phối hợp co bóp giữa tim và phổi. Tình trạng khó thở hoặc hơi thở đứt quãng là dấu hiệu cảnh báo tim đang yếu dần, khiến phổi không nhận đủ oxy nên đây cũng là một dấu hiệu cảnh báo các vấn đề liên quan đến lưu thông máu.
5. Choáng váng, đầu óc quay cuồng
Trước khi bị đột quỵ một tuần, người bệnh thường có cảm giác hoa mắt, chóng mặt. Cũng như những dấu hiệu phía trên, tình trạng này xảy ra do tim hoạt động kém khiến máu lưu thông lên não chậm.
Ngoài 5 biểu hiện trên trên, dấu hiệu đột quỵ trước 1 tuần có thể bao gồm tình trạng mờ mắt, nói khó, chân tay co cứng. Các triệu chứng này xuất hiện càng nhiều, nguy cơ đột quỵ càng cao.
Xem thêm: Phù não sau đột quỵ - Tình trạng nguy hiểm cần đặc biệt cảnh giác!
Cách xử trí nếu có dấu hiệu đột quỵ
Nếu nhận thấy những dấu hiệu sớm nêu trên, trước hết, bạn hãy bình tĩnh và đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe, từ đó có hướng điều trị phù hợp, loại trừ nguy cơ mắc bệnh.
Trong trường hợp cơn đột quỵ đã xảy ra, các triệu chứng xuất hiện dồn dập và dữ dội, nếu vẫn còn tỉnh táo, bạn hãy cùng người thân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời. Hãy nhớ rằng, với bệnh đột quỵ, “thời gian vàng” rất hẹp. Điều trị càng sớm, hậu quả càng được hạn chế.
Nếu bệnh nhân không còn tỉnh táo mà hôn mê thì việc sơ cứu, cấp cứu đột quỵ lúc này chủ yếu phụ thuộc vào sự giúp đỡ của những người xung quanh. Bởi vậy, khi nhận thấy người đối diện có những dấu hiệu đột quỵ như: Chảy xệ một bên mặt, tê yếu nửa người, khó nói..., bạn hãy nhanh chóng gọi xe cứu thương.
Trong thời gian chờ đợi, hãy đặt người bệnh nằm nghiêng ở nơi thông thoáng và theo dõi sát sao trạng thái sức khỏe của họ. Nếu người bệnh nôn mửa, khó thở, trong miệng có đờm nhớt thì cần hút sạch để thông thoáng đường thở, hạn chế tối đa nguy cơ chết não.
Bên cạnh đó, nếu trong nhà có sẵn thiết bị hỗ trợ thì hãy đo huyết áp, nhịp tim cũng như chỉ số đường huyết của người bệnh trong khi chờ xe cứu thương đến. Nên nhớ, tuyệt đối không được cho người bị đột quỵ ăn hoặc uống bất kỳ thứ gì nếu không có chỉ định của chuyên gia.
Xem thêm: Ăn gì phòng ngừa đột quỵ tốt? – 10 thực phẩm “quý hơn vàng” mà bạn không thể bỏ qua!