Tai biến mạch máu não liệt nửa người là tình trạng mà rất nhiều bệnh nhân gặp phải sau cơn tai biến. Đây là một trong những di chứng nặng nề nhất, khiến bệnh nhân phải phụ thuộc vào sự chăm sóc của người khác. Vậy làm thế nào để sớm phục hồi sức khỏe và ngăn ngừa tai biến tái phát?

Liệt nửa người sau tai biến xảy ra thế nào?

Tai biến mạch máu não (hay còn gọi là đột quỵ não) là tình trạng thiếu máu và oxy đến một phần não, khiến cho các tế bào bị chết đi. Tai biến mạch máu não là bệnh có nguy cơ gây tử vong hàng đầu, chỉ sau bệnh ung thư và tim mạch.

Vì sao bị liệt?

Sau cơn tai biến mạch máu não, người bệnh có thể gặp di chứng liệt nửa người, do phần não đảm nhận chức năng vận động bị tổn thương. Quá trình cung cấp máu và oxy đến một phần não bị gián đoạn, làm cho các tế bào bị chết đi, từ đó ảnh hưởng đến các chức năng của cơ thể. Bệnh nhân có thể bị liệt nửa người bên trái hoặc bên phải, tùy thuộc vào vùng não bị tổn thương.

Ảnh hưởng của di chứng liệt tới cuộc sống người bệnh

Do phải nằm một chỗ vì bị liệt nửa người, người bệnh có thể mắc thêm một số di chứng khác như:

- Viêm da, lở loét vùng lưng, đùi do nằm quá lâu

- Viêm tắc tĩnh mạch, khí huyết kém lưu thông

- Rối loạn cơ tròn gây khó khăn cho việc tiểu tiện

Điều trị tai biến mạch máu não liệt nửa người ra sao để đạt hiệu quả tốt?

Tùy thuộc vào tình trạng tổn thương của não và sự suy giảm của các cơ quan chức năng ở mỗi người bệnh mà quá trình phục hồi sau tai biến được đưa ra cho phù hợp.

Điều trị tai biến mạch máu não liệt nửa người muốn đạt hiệu quả nhanh, cần sự phối hợp của nhiều biện pháp như phục hồi chức năng cho người bệnh, xây dựng chế độ ăn uống khoa học, kết hợp với chế độ sinh hoạt lành mạnh.

1. Phục hồi chức năng

Phục hồi chức năng cho người bệnh tai biến bị liệt nửa người cần chú ý đến một số yếu tố như sau:

+ Xây dựng kế hoạch cụ thể về các bài tập và thời gian tập luyện hàng ngày.

+ Bài tập cho người bệnh cần thực hiện từ đơn giản đến phức tạp, tăng dần độ khó để người bệnh dần thích nghi.

+ Thực hiện các bài tập ở tất cả các khớp: Đối với cánh tay (Tập từ khớp ngón tay, cổ tay, khuỷu tay, khớp vai); Đối với chân (Tập từ ngón chân, cổ chân, khớp gối, khớp háng).

+ Có thể kết hợp tập luyện với dụng cụ hỗ trợ.

+ Kết hợp thực hành các bài xoa bóp, bấm huyệt hoặc châm cứu cho người bệnh.

+ Tập kiên trì và lần lượt: Từ động tác ngồi, đến đứng vững và tập đi.

+ Khi khả năng vận động của người bệnh đã được cải thiện, hãy cho họ thực hành các hoạt động tự chăm sóc bản thân.

+ Hãy chuẩn bị không gian rộng và thoáng để tạo điều kiện cho quá trình tập luyện, di chuyển của người bệnh.

+ Hãy trò chuyện và giao tiếp thường xuyên để người bệnh có tâm lý thoải mái, an tâm điều trị bệnh.

2. Chế độ ăn uống

Do bệnh nhân tai biến mạch máu não bị liệt nửa người, mọi hoạt động từ ăn uống đến sinh hoạt đều phụ thuộc vào người chăm sóc, nên bạn hãy chuẩn bị đồ ăn cho người bệnh ở dạng lỏng, dễ hấp thu như cháo, súp,… Thực đơn của người bệnh tai biến vẫn phải đủ các chất cần thiết như đạm, tinh bột, rau xanh, trái cây. Tuy nhiên, không nên cho người bệnh ăn quá nhiều vì sẽ gây áp lực tới hệ tiêu hóa. Bệnh nhân tai biến nên ăn một số món bổ dưỡng như cháo trai, hàu; cháo tôm nõn nấu hoàng kỳ; nước vừng đen; chè hạt sen ít đường,… Người bệnh cần tránh  những đồ ăn nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị cay hoặc quá nhiều muối, thực phẩm chế biến sẵn như dưa cà, hành muối, bánh mì, thịt hun khói, patê, xúc xích.

3. Chế độ sinh hoạt, tập luyện

+ Người bệnh cần tránh tuyệt đối việc sử dụng các chất kích thích như hút thuốc lá, uống rượu, bia, cà phê, nước trà đặc,…

+ Tránh thức khuya vì có thể làm cơn tai biến tái phát.

+ Tránh căng thẳng, stress quá mức vì có thể ảnh hưởng đến thời gian phục hồi.

+ Người bệnh cần được chăm sóc kỹ lưỡng: Do nằm lâu vì bị liệt, người nhà hãy lật/xoay mình cho người bệnh 4 tiếng/lần để tránh tình trạng viêm da, lở loét.

+ Khi cho người bệnh ăn uống, hãy kê gối để người bệnh ở tư thế nửa nằm- nửa ngồi để tránh việc bị sặc đồ ăn, gây tắc đường thở.