Nhiều người bị tai biến mạch máu não nhẹ thường chủ quan vì bệnh phục hồi nhanh mà không có bất kỳ tổn thương nào. Nhưng sự thật, tai biến mạch máu não nhẹ có “nhẹ” như họ vẫn nghĩ? Câu trả lời là không! Tai biến mạch máu não nói chung và tai biến mạch máu não nhẹ nói riêng là chứng bệnh nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe thể chất cũng như tinh thần người bệnh. Mời bạn cùng chúng tôi tìm hiểu cụ thể hơn trong bài viết sau!

Tai biến mạch máu não nhẹ là gì?

Tai biến mạch máu não nhẹ (hay thiếu máu não thoáng qua) là tình trạng xảy ra khi lượng máu cung cấp cho não bị ngưng trệ tạm thời, không gây ra bất kỳ tổn thương vĩnh viễn nào cho não hoặc làm tử vong tế bào não.

Nguyên nhân dẫn đến tai biến mạch máu não nhẹ là do mạch máu bị tắc nghẽn, não tạm thời không được cung cấp oxy. Tình trạng tắc nghẽn này sẽ tự biến mất nhanh chóng, không gây ra những thiệt hại nặng nề ngay lập tức. Các dấu hiệu và triệu chứng của tai biến mạch máu não nhẹ thường là:

- Mờ mắt hoặc mù hẳn ở 1 bên hoặc cả 2 mắt.

- Suy giảm trí nhớ, mất trí nhớ tạm thời.

- Tê, yếu một bên người (gồm chân, tay, mặt…)

- Không thể nói hoặc nói những câu vô nghĩa.

- Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn.

- Mất thăng bằng, đi đứng không vững.

Những triệu chứng của tai biến mạch máu não nhẹ thường không rõ ràng và dữ dội như tai biến mạch máu não nặng, đồng thời chỉ diễn ra trong thời gian ngắn (từ vài phút đến vài giờ) nên nhiều người thường chủ quan, không điều trị.

>>>Xem thêm: Cách trị bệnh tai biến mạch máu não hiệu quả nhất hiện nay

Hậu quả của tai biến mạch máu não nhẹ

Tuy tai biến mạch máu não nhẹ không để lại hậu quả nghiêm trọng, nhưng người bệnh cần hết sức cẩn trọng bởi đây có thể là dấu hiệu cảnh báo một cơn tai biến mạch máu não nặng sắp xảy đến. Nếu không điều trị kịp thời, tai biến mạch máu não nhẹ có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu não và các tai biến tim mạch trong vòng 48 giờ.

Theo nhiều kết quả nghiên cứu, khoảng 10-15% người bị thiếu máu não thoáng qua sẽ mắc tai biến mạch máu não trong vòng 3 tháng sau đó, và có đến 50% người bị thiếu máu não thoáng qua gặp tai biến trong 48 giờ kể từ khi cơn thiếu máu não khởi phát. Nguy hiểm nhất là khi tai biến thực sự xảy ra, nguy cơ tử vong rất cao, nếu may mắn sống sót, người bệnh cũng sẽ phải gánh chịu những di chứng nặng nề, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống như liệt nửa người, rối loạn trí nhớ, mất nhận thức, méo miệng…

Những dấu hiệu của tai biến mạch máu não nhẹ

Dấu hiệu của tai biến mạch máu não nhẹ cũng tương tự như tai biến mạch máu não nặng nhưng khác biệt về thời gian. Những triệu chứng của tai biến mạch máu não nhẹ chỉ kéo dài từ vài phút đến một tiếng đồng hồ.

Những dấu hiệu có thể kể đến là:

- Đột ngột đau đầu, chóng mặt, ù tai, choáng váng.

- Chân hoặc tay đột nhiên yếu hẳn, không đứng vững, không nắm chắc được đồ vật.

- Đột nhiên bị rối loạn ngôn ngữ: Nói khó, nói ngọng, nói ra những câu vô nghĩa.

- Đột nhiên tê tay chân, cảm giác như kim châm ở nửa người.

- Đột nhiên mất một phần hoặc hoàn toàn thị lực, mắt mờ, không nhìn thấy gì.

- Đột nhiên rối loạn tri thức: Mất định hướng, mất khả năng tư duy trong vài phút. 

Trong đó, cảm giác ngứa ran, tê tay chân như bị kim chích hoặc mất cảm giác nửa người là dấu hiệu phổ biến của tai biến mạch máu não.

Làm gì khi bị tai biến mạch máu não nhẹ?

Vì các triệu chứng của tai biến mạch máu não nhẹ và nặng cơ bản là như nhau, nên khi xảy ra bệnh, rất khó để bạn nhận biết tình trạng của mình đang nặng hay nhẹ ngay trong những phút đầu. Vì thế, bạn nên đi khám bác sĩ để được cấp cứu kịp thời nếu là tai biến nặng và được hướng dẫn phòng ngừa nếu là tai biến nhẹ.

Bạn nên chủ động phòng tránh tai biến mạch máu não bằng những việc sau:

- Thường xuyên đo huyết áp và kiểm tra nhịp tim.

- Chế độ ăn giàu đạm và rau xanh, trái cây.

- Hạn chế ăn mặn và chất béo, đặc biệt là mỡ động vật.

- Hạn chế rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích khác.

- Vận động, rèn luyện thể lực mỗi ngày bằng những môn thể thao phù hợp với cơ thể.

- Kiểm tra sức khỏe định kỳ, làm các xét nghiệm cần thiết để phát hiện nguy cơ rối loạn lipid máu, đái tháo đường, rung nhĩ, bệnh tim mạch, cao huyết áp…