Nếu trong gia đình có người bị tai biến, chắc hẳn bạn đã từng băn khoăn: Tai biến mạch máu não nên ăn gì? Câu hỏi này là rất cần thiết bởi chế độ dinh dưỡng góp phần quan trọng vào sự phục hồi sức khỏe người bệnh. Hãy xem câu trả lời qua bài viết sau.

Tai biến mạch máu não là gì?

Tai biến mạch máu não (hay đột quỵ não) là trường hợp thiếu máu và oxy đến một phần não, khiến cho các tế bào bị chết đi. Tai biến mạch máu não là bệnh có nguy cơ gây tử vong hàng đầu trên thế giới, chỉ sau ung thư và tim mạch. Người bị tai biến thường ở độ tuổi từ 50 trở lên, tuy nhiên, số người trẻ bị bệnh này cũng ngày càng nhiều. Tai biến mạch máu não có 2 dạng gồm nhồi máu não (do cục máu đông gây tắc mạch máu lên não) và xuất huyết não (do mạch máu vỡ gây chảy máu não), trong đó, có đến 80% số ca tai biến là do nhồi máu não.

Nguyên nhân gây bệnh tai biến mạch máu não

Nguyên nhân gây bệnh tai biến mạch máu não có thể do yếu tố di truyền: Nếu trong gia đình bạn đã có người từng bị tai biến thì bạn cũng tiềm ẩn nguy cơ bị bệnh. Tai biến mạch máu não cũng hay xảy ra ở những người mắc các bệnh như huyết áp cao, tiểu đường, tim mạch,… Ngoài ra, một số lý do khác dẫn đến bệnh tai biến xuất phát từ lối sống thiếu khoa học, thói quen có hại cho sức khỏe như sử dụng rượu, bia, hút thuốc lá; thức khuya, chế độ ăn nhiều dầu mỡ,…

Tai biến mạch máu não nên ăn gì?

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong sự phục hồi của người bệnh tai biến mạch máu não. Chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp người bệnh nhanh chóng lấy lại sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống sau điều trị. Vậy người tai biến mạch máu não nên ăn gì? Dưới đây là một số lưu ý trong chế độ ăn uống của người bệnh:

- Do sức khỏe của người bệnh còn yếu nên đồ ăn phải luôn được cắt nhỏ hoặc xay mịn. Những thực phẩm cho người bệnh nên được chế biến ở dạng lỏng như cháo, súp,…

- Không nên ăn những đồ ăn nhiều gia vị cay hoặc quá nhiều muối.

- Cần tránh một số thực phẩm chế biến sẵn như dưa cà, hành muối, bánh mì, thịt hun khói, patê, xúc xích.

- Chỉ nên ăn một lượng vừa phải mỗi ngày để tránh cho hệ tiêu hóa, bài tiết phải làm việc quá tải.

 

Chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng giúp ích cho người bị tai biến

Người bệnh tai biến mạch máu não nên ăn một số loại thực phẩm hữu ích như sau:

1. Cháo trai, hàu

Hai món cháo này với nguyên liệu phổ biến và cách chế biến tương đối đơn giản. Vì vậy, người bệnh có thể ăn thường xuyên mỗi ngày. Trai và hàu là thực phẩm có tính hàn, tốt cho người bị cao huyết áp, giúp giảm đau đầu, chóng mặt. Khi sơ chế, chú ý ngâm, trai hàu cho sạch cát; cắt nhỏ và nấu cháo nhuyễn để người bệnh dễ hấp thu.

2. Nước vừng đen

Khi làm nước vừng đen, bạn cần thực hiện theo các bước sau: Vừng đen rang chín, giã nhỏ, hòa với nước. Để dễ uống hơn, có thể thêm một chút đường. Hãy dùng nước vừng đen như bữa ăn phụ mỗi ngày giúp người bệnh tai biến lưu thông khí huyết.

3. Óc lợn hầm thuốc bắc

Bạn hãy chọn nguyên liệu sạch và rõ nguồn gốc xuất xứ. Cho óc lợn cùng với các nguyên liệu như hoàng kỳ, táo tàu, đương quy,… vào ninh nhừ. Theo kinh nghiệm dân gian, món ăn này giúp tăng cường khí huyết. Vì vậy, bạn có thể làm cho người bệnh ăn 1 - 2 lần/tuần.

4. Cháo hạt sen

Món ăn từ hạt sen giúp người bệnh an thần, ngủ sâu. Hạt sen còn giúp bệnh nhân tai biến mạch máu não cải thiện trí nhớ. Bạn có thể nấu cháo, nấu canh hoặc nấu chè hạt sen (ít đường) cho người bệnh rất bổ dưỡng.

5. Tôm nõn nấu hoàng kỳ

Tôm nõn là nguyên liệu bổ dưỡng. Nếu bạn cho người bệnh ăn một lượng vừa phải, nấu cùng với hoàng kỳ sẽ tạo vị thơm ngon, giúp người bệnh tai biến ăn ngon miệng và nhanh phục hồi sức khỏe.

Các bài tập giúp cải thiện vận động sau tai biến mạch máu não

1. Bài tập đứng thăng bằng

Đây là một bài tập không khó để thực hiện. Nếu bệnh nhân còn yếu, bạn hãy đỡ người bệnh đứng thẳng, cân xứng, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai chân và giữ thăng bằng.
2. Tập chuyển trọng lượng lần lượt

Hướng dẫn bệnh nhân đưa hông ra trước, gấp chân bị liệt lại, chuyển trọng lượng cơ thể sang bên chân lành, giữ vài giây. Sau đó từ từ duỗi chân liệt ra. Thực hiện tương tự cho chân còn lại.

3. Tập co, duỗi khớp háng và khớp gối phía bên liệt

Bài tập này tập trung vào khớp háng. Bạn hãy để người bệnh dồn toàn bộ trọng lượng lên chân không bị liệt ở phía trước, sau đó yêu cầu bệnh nhân tập gấp và duỗi khớp háng cũng như khớp gối bên chân liệt. Lưu ý, chỉ nâng gót chân bên liệt (không nhấc cả bàn chân) lên khỏi sàn nhà.
4. Tập đứng, dồn trọng lượng lần lượt lên hai chân

Hướng dẫn bệnh nhân đứng thẳng, cân xứng hai bên, hai tay thả lỏng dọc bên thân, hai bàn chân cách nhau 15 - 20 cm, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai chân. Sau đó, yêu cầu bệnh nhân lần lượt lấy chân trái làm trụ, dạng chân bên phải ra, nhấc bàn chân lên khỏi sàn nhà để toàn bộ trọng lượng cơ thể dồn lên chân bên trái. Tương tự với bên còn lại.

5. Bài tập dồn trọng lượng lên chân liệt

Bệnh nhân đứng thẳng, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai chân. Từ từ chuyển và dồn trọng lượng sang bên chân liệt, bước chân lành lên một vật gì đó bên cạnh, cao 15 - 20cm.