Cách ngăn ngừa đột quỵ tái phát là gì? Đây là vấn đề mà rất nhiều người quan tâm bởi đột quỵ vốn dĩ là một căn bệnh nguy hiểm, và đột quỵ tái phát còn đáng lo ngại hơn rất nhiều. Việc trang bị đầy đủ thông tin về cách ngăn ngừa, điều trị bệnh sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ đột quỵ tái phát. Hãy cùng tìm hiểu cụ thể hơn trong bài viết này!

Đột quỵ là gì?

Đột quỵ là tình trạng một phần não đột ngột bị tổn thương do thiếu máu nuôi dưỡng. Tình trạng này xảy ra khi mạch máu não bị tắc hoặc vỡ, các mô não sẽ dần hoại tử, ảnh hưởng đến nhiều chức năng cơ thể. 

Đột quỵ được chia thành 2 loại là nhồi máu não và xuất huyết não. Đột quỵ nhồi máu não xảy ra khi có cục máu đông làm tắc mạch, chiếm hơn 80% tổng số trường hợp. Xuất huyết não xảy ra khi một mạch máu não bị vỡ, máu tràn ra và làm tổn thương các tế bào não xung quanh, thể này chiếm gần 20% tổng số ca bệnh. Xuất huyết não tuy chiếm tỷ lệ thấp nhưng mức độ nguy hiểm, nguy cơ tử vong và di chứng cao hơn so với nhồi máu não.

Xem thêm: Nguyên nhân gây đột quỵ là gì?

Tỷ lệ tái phát đột quỵ là bao nhiêu?

Đột quỵ là bệnh có nguy cơ tái phát cao. Theo thống kê của Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ, mỗi năm có khoảng 795.000 người dân nước này bị đột quỵ, trong đó có khoảng 185.000 trường hợp là đột quỵ tái phát. 

Các chuyên gia nhận định, trong vòng 5 năm kể từ khi cơn đột quỵ đầu tiên xảy ra, nguy cơ người bệnh mắc đột quỵ lần 2 có thể tăng lên 40%. Nếu chia theo giới tính, tỷ lệ là 24% ở phụ nữ và 42% ở nam giới. 

Khi đột quỵ tái phát, não bộ có thể rơi vào tình trạng “tổn thương chồng lẫn tổn thương”, các chức năng não không kịp phục hồi. Vì vậy, những trường hợp bị tái phát đột quỵ thường có tỷ lệ tử vong và tàn tật cao hơn.

Xem thêm: Muốn nhanh chóng phục hồi chức năng sau đột quỵ, chỉ cần làm điều này 3 lần mỗi tuần

Cách ngăn ngừa đột quỵ tái phát

Như đã đề cập phía trên, khi đã bị đột quỵ, bạn có nhiều nguy cơ mắc bệnh lần hai. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể ngăn ngừa tình trạng không hay này xảy ra. Cũng theo Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ, 80% trường hợp đột quỵ tái phát có thể ngăn chặn bằng cách kết hợp giữa thay đổi lối sống và can thiệp y tế. Dưới đây là những điều bạn có thể làm để phòng ngừa đột quỵ tái phát:

- Xác định các yếu tố nguy cơ gây ra cơn đột quỵ tiên phát: Khi bạn đã xác định và thảo luận về nguyên nhân gây đột quỵ lần đầu với các chuyên gia y tế, hãy tìm cách kiểm soát và giải quyết từng yếu tố rủi ro. Thường thì những bệnh về tim và mạch máu như: Bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, rung nhĩ,... là những yếu tố nguy cơ quan trọng gây đột quỵ. Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ ước tính, cứ 2 người bị huyết áp cao thì có ít nhất 3 cơn đột quỵ. Còn những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ đột quỵ cao gấp 4 lần so với người không mắc bệnh. Trong khi đó, chứng rung tâm nhĩ làm tăng nguy cơ đột quỵ lên 5 lần. Vì vậy, hãy thường xuyên đo lường chỉ số và trao đổi với các chuyên gia để nắm thế chủ động trong việc ngăn ngừa đột quỵ tái phát. 

- Ngừng hút thuốc, uống rượu: Hút thuốc lá có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ đột quỵ tái phát. Trong khi đó, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, uống nhiều hơn 2 ly rượu mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ lên 50%. Vì vậy, hãy nói không với thuốc lá và rượu bia. Nếu bạn không hút, hãy tránh xa khói thuốc lá từ người khác. Còn nếu bắt buộc phải uống rượu, hãy dùng một cách chừng mực. 

- Uống thuốc theo chỉ định: Khi mắc đột quỵ, người bệnh sẽ được chỉ định một số loại thuốc phù hợp giúp cải thiện sức khỏe và phòng ngừa đột quỵ tái phát. Tuy nhiên, nhiều người có hành động tự ý ngưng thuốc khi họ cảm thấy cơ thể đã ổn định và lo ngại các tác dụng phụ của thuốc tây. Một nghiên cứu tại Mỹ đã chỉ ra rằng, khoảng 1/4 bệnh nhân đột quỵ tự ý dừng thuốc trong vòng 3 tháng đầu – thời điểm đột quỵ có nguy cơ tái phát cao nhất. Điều này dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. 

- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn ít calo, muối và mỡ động vật sẽ giúp bạn kiểm soát cân nặng, huyết áp và duy trì cholesterol tốt trong máu, từ đó giảm nguy cơ đột quỵ tái phát. Bên cạnh đó, bạn có thể tham khảo chế độ ăn Địa Trung Hải – nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và ít thực phẩm chế biến sẵn. Theo một nghiên cứu từ trường Đại học Y Yale (Mỹ), chế độ ăn Địa Trung Hải giúp giảm tới 21% nguy cơ đột quỵ. 

- Tăng cường hoạt động thể chất: Việc luyện tập sẽ giúp cơ thể dẻo dai hơn, đồng thời giúp người bệnh nhanh phục hồi chức năng sau đột quỵ. Không những thế, ở người bình thường, tập luyện còn làm giảm nguy cơ đột quỵ tái phát. Bạn hãy xây dựng cho mình thói quen tập thể dục ít nhất 5 lần mỗi tuần (mỗi lần 30 phút), mức độ luyện tập vừa phải, không quá nặng, cũng không quá nhẹ. 

Xem thêm: Tầm soát đột quỵ định kỳ để phòng ngừa chứng bệnh khiến hơn 100.000 người Việt tử vong mỗi năm