Nhiều người cho rằng, đột quỵ não chỉ xảy ra ở người cao tuổi nhưng thực tế cho thấy, căn bệnh này còn có thể xuất hiện ở trẻ nhỏ. Vậy những dấu hiệu đột quỵ não ở trẻ em là gì? Cách phòng ngừa và biện pháp xử lý khi trẻ nhỏ gặp phải tình trạng này như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Dấu hiệu đột quỵ não ở trẻ em

Đột quỵ não ở trẻ nhỏ được chia thành 2 dạng: Đột quỵ nhồi máu và đột quỵ xuất huyết. Trong đó, đột quỵ xuất huyết sẽ gặp nhiều hơn là đột quỵ nhồi máu ở trẻ em. Nguyên nhân thường gặp gây ra đột quỵ xuất huyết ở trẻ em là dị dạng động tĩnh mạch não và túi phình mạch máu não. Khi trẻ có túi phình mạch máu não hoặc dị dạng động tĩnh mạch não, thường bé không có bất kỳ biểu hiện gì, đôi khi có thể có đau đầu, co giật,... Nhưng khi những tổn thương này vỡ ra, gây xuất huyết não, sẽ ảnh hưởng nguy kịch đến tính mạng bệnh nhi. Chính vì vậy, cần nhận biết sớm những trường hợp xuất huyết não này.

Đối với những trẻ lớn thì dấu hiệu đột quỵ não tương tự người lớn, như: Méo miệng, nói đớ, liệt nửa người đột ngột. Còn ở trẻ nhỏ, những dấu hiệu này rất khó có thể nhận ra. Nhiều trường hợp đột quỵ não không có biểu hiện rõ ràng mà chỉ thấy những triệu chứng như: Đau đầu, nôn ói, lơ mơ, lừ đừ. Những triệu chứng này rất chung chung và có thể nhầm lẫn với các bệnh khác.

>>>Xem thêm: Tại sao nhiều người béo phì bị đột quỵ não?

 Cách xử lý khi bị đột quỵ não ở trẻ em

Đột quỵ não có thể gây ra hậu quả nặng nề ở trẻ em với những di chứng như: Liệt nửa người, không biết nói, khó nuốt, thị lực yếu hoặc mù hẳn, mất kiểm soát cảm xúc, thay đổi nhận thức, khả năng ghi nhớ kém, tính cách và hành vi khó đoán… Do đó, khi trẻ có các dấu hiệu đột quỵ não, cần nhanh chóng đưa trẻ đến khám tại bệnh viện chuyên khoa thần kinh để được thực hiện các xét nghiệm giúp chẩn đoán và có được phương pháp điều trị  kịp thời. Nên gọi ngay cho số 115 hoặc số điện thoại khẩn cấp nếu quan sát thấy tình trạng sức khỏe của trẻ có dấu hiệu bị đột quỵ một cách bất ngờ. Nên đi bằng xe cứu thương vì trên xe sẽ có các dịch vụ y tế cần thiết. Đối với trẻ nhỏ có triệu chứng bị đau đầu, co giật, động kinh… thì cần sớm cho trẻ đi tầm soát mạch máu não, không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Điều trị đột quỵ não trẻ nhỏ ban đầu chủ yếu là dùng các loại thuốc và can thiệp giúp tái thông mạch máu đã bị tắc nghẽn. Các phẫu thuật chỉ được chỉ định áp dụng điều trị cho người bệnh trong trường hợp nặng và có thể gây nhiều rủi ro.

>>>XEM THÊM: Tổng hợp các cách phòng ngừa tai biến mạch máu não đơn giản mà hiệu quả!