Tai biến mạch máu não có thể khiến người bệnh rơi vào tình trạng yếu, liệt vận động. Những người này cần phục hồi chức năng sau tai biến từng bước một, thường là nhờ các phương pháp, bài tập đi từ nhẹ nhàng đến phức tạp. Tuy nhiên, tại Mỹ, nhiều người bệnh được hướng dẫn cưỡi ngựa và nhờ đó khả năng vận động cải thiện tích cực. Tại sao lại như vậy? Hãy cùng tìm hiểu!
Tai biến mạch máu não ảnh hưởng như thế nào đến khả năng vận động?
Tai biến mạch máu não (hay đột quỵ não) là tình trạng một vùng não bị tổn thương, mất khả năng điều khiển các hoạt động của cơ thể do lưu lượng máu lên não đột ngột ngưng trệ. Tình trạng này xảy ra khi mạch máu não bị tắc hoặc vỡ. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân tai biến mạch máu não có thể tử vong chỉ trong phút chốc hoặc gặp phải những di chứng nặng nề như: Liệt nửa người, méo miệng, mất trí nhớ,…
Tai biến mạch máu não được xác định là một trong những bệnh nguy hiểm hàng đầu vì có thể gây tử vong chỉ trong thời gian ngắn. Người bệnh không chỉ bị suy giảm sức khỏe toàn trạng mà còn tiềm ẩn nguy cơ phải gánh chịu những di chứng nặng nề. Đây chính là nguyên nhân gây tàn tật hàng đầu tại các nước đang phát triển.
Theo Hiệp hội Đột quỵ Mỹ, có đến 80% bệnh nhân bị liệt nửa người sau tai biến mạch máu não, đi kèm với đó là một số di chứng như: Co cứng cơ bắp, yếu cơ bắp, teo cơ, co giật, đau mỏi toàn thân,... Vì vậy, người bệnh tai biến mạch máu não sẽ gặp khó khăn khi thực hiện những công việc vốn dĩ rất bình thường trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như mặc quần áo hoặc ăn uống.
Hầu hết các chức năng bị ảnh hưởng trong cơn tai biến đều có thể cải thiện được nếu người bệnh tích cực luyện tập phục hồi. Chức năng vận động cũng nằm trong số đó. Tuy nhiên, quá trình cải thiện di chứng này tương đối khó khăn và thường cần nhiều thời gian hơn so với những tổn thương khác.
Xem thêm: “Điểm danh” 4 nguyên nhân gây tai biến mạch máu não thường gặp ở người trẻ hiện nay
Phương pháp cưỡi ngựa giúp phục hồi chức năng sau tai biến
Tại Mỹ, mỗi năm có hơn 147.000 người tử vong vì tai biến mạch máu não, những người sống sót thường bị khuyết tật nghiêm trọng, đây chính là nguyên nhân gây tàn tật hàng đầu tại quốc gia này.
Thông thường, để cải thiện chức năng vận động, người bệnh cần luyện tập nhiều nhất có thể bằng cách tham gia vào các lớp vật lý trị liệu, đồng thời tự cải thiện tại nhà, học dần từ cách ăn uống, mặc quần áo tới việc sử dụng gậy, xe lăn,…Tuy nhiên, các nhân viên y tế tại Trung tâm trị liệu Great Oak, hạt Aiken (Mỹ) đã kết hợp các phương pháp này với cưỡi ngựa để cải thiện khả năng vận động và phối hợp cho bệnh nhân tai biến mạch máu não.
Phương pháp này nghe qua rất lạ lùng vì bệnh nhân tai biến mạch máu não có thể yếu đến mức không thể ngồi bình thường, sao có thể cưỡi ngựa? Tuy nhiên, tại đây, các bệnh nhân sẽ được nhân viên và hệ thống máy móc hiện đại hỗ trợ lên ngựa, đảm bảo an toàn.
"Dáng đi của con ngựa tự nhiên mô phỏng bước đi của con người" - Nicole Pioli, Giám đốc Trung tâm Great Oak cho biết- "Theo thời gian, phương pháp này kết hợp với vật lý trị liệu sẽ cải thiện tích cực khả năng vận động cho người bệnh. Sau khi tập cưỡi ngựa, một số bệnh nhân tai biến mạch máu não đã có thể đi lại trong thời gian dài hơn trên đoạn đường dốc hơn so với trước đó!”.
Giải thích thêm về điều này, Pioli cho biết, khi bệnh nhân tai biến mạch máu não cưỡi ngựa, chuyển động của ngựa sẽ giúp não học lại sự phối hợp cơ bắp cần thiết để đi bộ mà không gây thêm căng thẳng cho bệnh nhân.
Tiến sĩ Jose Cardenas, một nhà thần kinh học thuộc Liên minh y khoa Aiken, đồng thời là thành viên hội đồng quản trị của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho biết: “Hạt Aiken "may mắn" có chương trình cưỡi ngựa tại Great Oak để hỗ trợ bệnh nhân tai biến mạch máu não. Liệu pháp cưỡi ngựa có thể giúp cải thiện sự cân bằng, dáng đi, sức mạnh cầm nắm, sự phối hợp và nhận thức mà cá nhân có thể phát triển với một con ngựa!”.
Xem thêm: Di chứng tai biến mạch máu não cản trở cuộc sống, cần làm gì để cải thiện?