Mỡ máu cao là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu của đột quỵ não. Vậy người bệnh mỡ máu cao cần làm gì để phòng ngừa đột quỵ não? Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn thông tin về con đường dẫn đến đột quỵ não của bệnh máu nhiễm mỡ cũng như cách phòng ngừa hiệu quả. Hãy cùng theo dõi!
Tại sao mỡ máu cao có thể gây đột quỵ não?
Cơ thể chúng ta tạo ra mỡ theo 2 cách: Một là tự sản xuất mỡ tại gan, hai là hấp thu từ thức ăn. Mỡ sẽ di chuyển trong máu đến các mô, tế bào và được đốt cháy để sản sinh năng lượng, tạo hormone,... Chính vì vậy, gan, mạch máu và tế bào được ví là 3 chiếc bình chứa mỡ thông nhau. Tuy nhiên, nếu gan tăng cường sản sinh mỡ hoặc đường tiêu hóa hấp thu quá nhiều chất này, quá trình vận chuyển mỡ từ máu vào mô bị cản trở thì mỡ sẽ tích tụ trong máu, khiến mỡ máu tăng cao.
Khi mỡ máu cao kéo dài, mỡ tại động mạch có thể tích tụ, hình thành những mảng xơ vữa, khiến thành mạch máu bị xơ cứng và lòng mạch hẹp dần, ngăn cản dòng máu đi nuôi các cơ quan trong cơ thể, trong đó có não. Một số trường hợp khác, mảng xơ vữa bị bong ra, kết hợp với tiểu cầu để tạo thành cục máu đông, từ đó gây ra nhiều biến chứng tim mạch, nguy hiểm nhất là đột quỵ não - tình trạng não bị tổn thương do mạch máu não bị tắc hoặc vỡ. Lúc này, một phần não không được cung cấp đủ oxy và dưỡng chất sẽ suy yếu rồi dần hoại tử, mất khả năng điều khiển các cơ quan khác, gây ra các di chứng như: Liệt nửa người, rối loạn ngôn ngữ, mất ý thức,… thậm chí hôn mê và tử vong. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, người mỡ máu cao có nguy cơ đột quỵ não nhiều hơn 30% so với người bình thường.
Xem thêm: Tại sao nhiều người béo phì bị đột quỵ?
Người bị mỡ máu cao nên làm gì để phòng ngừa đột quỵ não?
Theo Tạp chí sức khỏe Healthline (Mỹ), những người mỡ máu cao có thể giảm tới 80% nguy cơ đột quỵ não bằng cách thay đổi lối sống. Cụ thể là:
Bổ sung thực phẩm giảm cholesterol
Cholesterol là một loại chất béo có thể hấp thu qua đường ăn uống. Với người bị mỡ máu cao, bạn nên bổ sung thực phẩm có đặc tính giảm cholesterol như:
- Chất xơ hòa tan: Chất xơ hòa tan có thể làm giảm sự hấp thụ cholesterol vào máu. Các thực phẩm có chứa chất xơ hòa tan là: Yến mạch, đậu lăng, lúa mạch, táo, lê,...
- Cá chứa axit béo không bão hòa như: Cá hồi, cá trích, cá mòi,… Bạn nên ăn mỗi tuần 2 – 3 bữa cá để bảo vệ sức khỏe tim mạch.
- Thực phẩm chứa sterol và stanol thực vật: Sterol và stanol thực vật là những hợp chất tự nhiên có đặc tính làm giảm cholesterol xấu. Chúng có nhiều trong dầu thực vật, các loại hạt, đậu, trái cây và rau quả.
Duy trì cân nặng ở ngưỡng hợp lý
Thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ mỡ máu cao. Vì vậy, bạn hãy cố gắng duy trì cân nặng ở ngưỡng hợp lý (chỉ số khối cơ thể BMI từ 25 trở xuống). Bạn cần kết hợp giữa việc tăng cường hoạt động thể chất với ăn uống khoa học, nghỉ ngơi hợp lý để hoàn thành mục tiêu này.
Luyện tập thể dục đều đặn
Luyện tập, vận động không những hỗ trợ tăng cường sức khỏe toàn trạng, mà còn giúp ngăn ngừa tình trạng thừa cân – béo phì, hạ mức cholesterol xấu. Các chuyên gia khuyên bạn nên tập thể dục ít nhất 5 lần mỗi tuần, 30 phút/lần ở mức độ vừa phải như: Đi bộ nhanh, chơi cầu lông, bóng bàn…
Nên luyện tập thể dục thể thao thường xuyên để cải thiện mỡ máu cao, phòng ngừa đột quỵ
Xem thêm: Đột quỵ vì thức khuya: Lời cảnh tỉnh cho những ai còn giữ thói quen xấu!