Các nhà khoa học đã xác định được nhiều nguyên nhân gây đột quỵ. Tuy nhiên, có khoảng 25% bệnh nhân đột quỵ không xác định được nguyên nhân. Và mới đây, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Stroke (Mỹ) đã chỉ ra một điểm quan trọng: Những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ có nguy cơ đột quỵ không rõ nguyên nhân khá cao. Hãy cùng tìm hiểu cụ thể hơn trong bài viết này!

Những nguyên nhân gây đột quỵ phổ biến

Đột quỵ (hay tai biến mạch máu não) là tình trạng một phần não bộ bị tổn thương do không được cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng. Tình trạng này xảy ra do tắc hoặc vỡ mạch máu não. Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể tử vong hoặc phải gánh chịu những di chứng nặng nề như: Liệt nửa người, méo miệng, mất trí nhớ,...

Nguyên nhân gây đột quỵ được chia thành 2 nhóm: Nhóm yếu tố sinh lý và nhóm yếu tố bệnh lý. Nhóm sinh lý bao gồm: Tuổi tác, chủng tộc, tiền sử gia đình. Nếu bạn là người cao tuổi, người da đen và trong gia đình đã từng có người bị đột quỵ thì nguy cơ mắc bệnh của bạn sẽ cao hơn những người không có các yếu tố này. 

 

Đối với nhóm bệnh lý, một số bệnh sau đây được cho là yếu tố nguy cơ của đột quỵ:

- Cao huyết áp: Cao huyết áp là tình trạng áp lực của máu lên thành mạch thường xuyên ở mức trên 140/90 mmHg và không hạ. Bệnh này khiến mạch máu suy yếu, tạo điều kiện cho mảng bám cũng như các cục máu đông hình thành, cản trở sự lưu thông máu lên não, từ đó dễ dẫn đến đột quỵ. 

- Tiểu đường: Người bị tiểu đường có lượng đường trong máu cao, dễ hình thành mảng bám gây xơ vữa động mạch và ngăn cản quá trình lưu thông máu.

- Bệnh tim mạch: Với người mắc bệnh tim mạch, tim bơm máu không đều có thể khiến máu tắc lại, tạo nên những cục máu đông gây đột quỵ. 

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp, một người khỏe mạnh, không có bệnh nền, tiền sử gia đình hoàn toàn bình thường, vẫn bị đột quỵ. Một số chuyên gia cho rằng, đó là do những tổn thương ở tim chưa được phát hiện, nhưng nhiều chuyên gia khác lại phủ nhận điều này. Những trường hợp còn tranh cãi như vậy được xác định là đột quỵ không rõ nguyên nhân. Tình trạng này chiếm khoảng 25% tổng số ca đột quỵ. 

Xem thêm: Một số bệnh nền làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người cao tuổi

Ngủ muộn, bất thường khi ngủ - Cảnh giác với đột quỵ!

Mới đây, các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành thực hiện nghiên cứu mới về mối quan hệ giữa giấc ngủ và bệnh đột quỵ. Kết quả cho thấy, người ngủ muộn hoặc mắc các hội chứng bất thường như: Ngưng thở khi ngủ, chân không nghỉ (tình trạng chân co duỗi liên tục trong lúc ngủ) có nguy cơ đột quỵ không rõ nguyên nhân tương đối cao. 

Cụ thể, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu trên 403 tình nguyện viên. Trong đó có 209 bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não cục bộ. Họ phân tích giấc ngủ của các bệnh nhân này tại nhà và tại phòng thí nghiệm trong khoảng thời gian 1 năm. Kết quả cho thấy, 76 người trong số đó mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Phần lớn những đối tượng này thuộc nhóm người cao tuổi, là nam giới và bị béo phì.

Từ kết quả khảo sát, các nhà nghiên cứu cho rằng, người ngủ muộn, mắc chứng ngưng thở khi ngủ và hội chứng chân không nghỉ có nguy cơ đột quỵ không rõ nguyên nhân cao hơn so với những đối tượng khác. Như vậy, rất có thể, ngoài những bệnh nền về tim và mạch máu thì tình trạng rối loạn giấc ngủ cũng có thể là một trong những yếu tố nguy cơ của đột quỵ mà mọi người cần lưu ý để phòng tránh.

Xem thêm: Điều trị đột quỵ bằng phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn