Liệt nửa người là di chứng mà hầu hết người bệnh tai biến nào cũng phải chịu ảnh hưởng. Vậy, bệnh nhân cần luyện tập sau tai biến mạch máu não như thế nào để cải thiện di chứng liệt nửa người và có thể đi lại, vận động dễ dàng hơn? Hãy cùng theo dõi những thông tin trong bài viết này để tìm câu trả lời!
Tổng quan về di chứng tai biến liệt nửa người
Tai biến mạch máu não (hay đột quỵ não) là tình trạng một phần não bộ bị tổn thương do không được cung cấp oxy và chất dinh dưỡng kịp thời. Tình trạng này xảy ra khi dòng máu lưu thông lên não đột ngột ngưng trệ do tắc hoặc vỡ mạch máu não, khiến các tế bào não bị tổn thương và dần hoại tử, mất khả năng kiểm soát những cơ quan trong cơ thể.
Tai biến mạch máu não có thể gây ra rất nhiều di chứng, chẳng hạn như: Liệt nửa người, méo miệng, co giật, mất ngủ, trầm cảm, rối loạn tâm thần,... Trong đó, liệt nửa người là di chứng phổ biến nhất. Theo thống kê từ Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ, có đến 80% bệnh nhân tai biến mạch máu não bị liệt nửa người với những biểu hiện như: Mất thăng bằng, không cầm nắm được đồ vật, mất định hướng, hay bị đau mỏi cơ,…
Di chứng tai biến liệt nửa người ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người bệnh. Những đối tượng này không thể tự thực hiện các hoạt động sống như bình thường mà phải trông đợi vào sự giúp đỡ của người xung quanh.
Cách luyện tập sau tai biến mạch máu não giúp cải thiện di chứng liệt nửa người
Sau tai biến mạch máu não, người bệnh cần luyện tập để phục hồi các chức năng của cơ thể. Có rất nhiều bài tập cho bệnh nhân thực hiện, mỗi bài tập giúp khôi phục một hoặc vài chức năng.
Với di chứng liệt nửa người, có 2 động tác chính là động tác gấp háng (giúp nhấc chân để đi lại) và duỗi gối (giúp đứng vững). Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, trước khi thực hiện những động tác này, người bệnh cần đảm bảo giải phóng khỏi tình trạng co cứng, ức chế trương lực cơ trước. Người bệnh có thể áp dụng cách đơn giản sau:
Ức chế trương lực cơ tay: Người bệnh ngồi, tay bên liệt duỗi thẳng, bàn tay và các ngón tay mở xòe ra đặt trên mặt giường, chống tay cạnh thân mình, giữ ở tư thế đó 5-10 phút.
Ức chế trương lực cơ chân: Người bệnh ngồi, gối chân liệt vuông góc, bàn chân liệt đặt sát trên nền nhà. Tiếp đó, bắt chéo chân lành sang bên chân liệt, cẳng chân bên lành tì đầu gối chân bên liệt xuống. Nếu người bệnh không tự làm được thì nhờ người thân tì ấn gối bên liệt xuống. Giữ nguyên tư thế này 5-10 phút hoặc tới khi chân liệt không run, giật nữa thì dừng lại.
Sau khi đã ức chế trương lực cơ tay và chân, để có thể cử động và phục hồi trở lại, bệnh nhân tai biến liệt nửa người cần cố gắng vận động càng nhiều càng tốt, nhất là tập chân để có thể đi lại được. 2 bài tập quan trọng được thực hiện như sau:
Tập gấp háng: Bệnh nhân ngồi thẳng, khớp gối vuông góc, người giúp đỡ đặt tay lên đầu gối người bệnh, chống lại cử động rung giật chân bên liệt.
Tập duỗi gối: Người bệnh ngồi sâu vào ghế hoặc giường, cẳng chân và gối duỗi thẳng. Một tay của người nhà tì vào cổ chân, chống lại cử động rung giật của người bệnh.
Khi bắt đầu đi lại được, người bệnh chuyển sang tập cơ tay nhiều hơn, tập từ cơ vai tới khuỷu tay và bàn tay. Người bệnh có thể tập bằng cách cầm vào một cây gậy, 2 tay giơ gậy lên quá đầu rồi hạ xuống, thực hiện liên tục 20 lần. Ban đầu, nếu chưa làm được ở tư thế ngồi hoặc đứng, bệnh nhân có thể tập ở tư thế nằm ngửa.
Những động tác trên đều rất đơn giản nhưng đều là bài tập đã được kiểm chứng giúp phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não tích cực. Người bị liệt nửa người sau tai biến mạch máu não cần luyện tập càng sớm càng tốt. Kiên trì thực hiện, họ có thể lấy lại cuộc sống độc lập và sớm hòa nhập với cộng đồng.
Xem thêm: Nguyên nhân tai biến mạch máu não tái phát và cách phòng ngừa