Tai biến mạch máu não là bệnh có tỷ lệ tái phát cao. Trung bình, có khoảng 20% bệnh nhân tai biến mạch máu não tái phát trong năm đầu tiên và từ 10% đến 50% trong 5 năm tiếp theo. Điều đáng chú ý là cơn tai biến lần sau luôn nguy hiểm hơn và khả năng bình phục thấp hơn so với lần trước. Vậy, tại sao tai biến mạch máu não tái phát và cần làm gì để phòng tránh tình trạng này?

Vì sao tai biến mạch máu não tái phát?

Để tìm hiểu vì sao tai biến mạch máu não lại tái phát, trước hết, chúng ta cần nắm được một số thông tin cơ bản về bệnh tai biến mạch máu não. Tai biến mạch máu não (hay đột quỵ não) là tình trạng gián đoạn cung cấp máu và oxy đến một phần não, khiến cho các tế bào não hoại tử, gây tổn thương mô não. Trước đây, tai biến mạch máu não tập trung chủ yếu ở người già nhưng ngày nay, nhóm đối tượng mắc bệnh đang dịch chuyển dần về độ tuổi trung niên. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều người trẻ bị tai biến mạch máu não.

Về nguyên lý, cơn tai biến xảy ra khi mạch máu não bị tắc hoặc vỡ. Tình trạng này có thể hình thành do không kiểm soát tốt các bệnh nền như: Tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu,... hoặc đây cũng có thể là hậu quả của lối sống không lành mạnh với nhiều thói quen xấu như: Thức khuya, hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, lười vận động,...

Khi đã mắc tai biến mạch máu não, người bệnh có nguy cơ bị tái phát cao nhất trong 3 tháng sau đó. Nhiều người bị tai biến mạch máu não đến lần 2, thậm chí là lần 3. Lý do có thể bởi họ không kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây tai biến mạch máu não, chủ yếu là do không tuân thủ đúng liệu trình điều trị theo hướng dẫn, bao gồm việc dùng thuốc giảm tình trạng xơ vữa mạch máu, thuốc chống tập kết tiểu cầu, kháng đông cũng như các thuốc kiểm soát yếu tố nguy cơ… và không tái khám đều đặn để kiểm soát tình trạng bệnh.

Xem thêm: Tai biến mạch máu não có mấy loại?

Cách phòng ngừa tai biến mạch máu não tái phát

Để phòng ngừa tai biến mạch máu não tái phát, cần khắc phục tất cả những vấn đề đã nêu ở phần trên. Điều quan trọng nhất, các chuyên gia khuyên người bị tai biến nên kiểm soát và điều trị triệt để các bệnh nền như: Xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, bệnh tim, tiểu đường…

Ngoài ra, những người bị tai biến cần được điều trị và chăm sóc tốt, nâng cao sức khỏe để tránh tái phát. Cụ thể:

- Chế độ tập luyện: Sau cơn tai biến, cần thực hiện các bài tập phục hồi chức năng nhằm cải thiện khả năng vận động và nói chuyện. Người bị tai biến có thể tập thực hiện các hoạt động sinh hoạt tại nhà như tắm rửa, mặc quần áo, ăn uống, đọc sách và viết. Sau đó, quá trình tập luyện sẽ tăng dần với các bài tập cần nhiều sức lực và độ khó. Cải thiện kỹ năng vận động và nói chuyện không chỉ khiến người bị tai biến khỏe hơn mà tinh thần cũng vui vẻ, tránh được nguy cơ trầm cảm vì bệnh tật.

- Chế độ dinh dưỡng: Các thành viên trong gia đình cần đảm bảo bổ sung đủ chất cho người bị tai biến. Người bệnh nên ăn nhiều rau xanh và trái cây, tránh những đồ ăn quá mặn, các loại thịt đỏ, đồ ăn chiên rán. Đồng thời, khẩu phần ăn nên chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.

Một điều nữa cần hết sức lưu ý là khi các dấu hiệu tai biến lần sau xuất hiện, người bệnh cần được đi cấp cứu ngay lập tức. Việc điều trị thực hiện càng sớm, những hậu quả của bệnh càng được hạn chế.

Xem thêm: Thuốc chữa tai biến gồm những loại nào và có tác dụng ra sao?