Thuốc chữa tai biến gồm những loại nào? Chúng có tác dụng phụ gì không? Đây là những câu hỏi mà rất nhiều người quan tâm bởi tai biến mạch máu não có thể ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống người bệnh, ai cũng muốn tìm ra cách điều trị hiệu quả và an toàn nhất. Hãy cùng tìm hiểu về vấn đề này trong bài viết dưới đây!
Thuốc chữa tai biến gồm những loại nào?
Tai biến mạch máu não là một bệnh lý mạch máu não cấp tính, xảy ra khi mạch máu não bị tắc (nhồi máu não) hoặc vỡ (xuất huyết não). Việc điều trị tai biến mạch máu não chủ yếu gồm phẫu thuật và dùng thuốc. Phẫu thuật thường áp dụng cho những trường hợp nghiêm trọng, ổ tổn thương lớn, ở vị trí nguy hiểm (có kết hợp dùng thuốc để hỗ trợ), còn những trường hợp nhẹ hơn có thể chỉ cần dùng thuốc. Mỗi loại thuốc được quyết định phụ thuộc vào từng loại tai biến. Cụ thể:
Đối với thể nhồi máu não
- Thuốc chống kết tập tiểu cầu: Giúp phá vỡ liên kết giữa các tiểu cầu trong máu và ngăn chúng dính lại với nhau. Aspirin là cái tên tiêu biểu cho nhóm thuốc này.
- Thuốc chống đông máu: Có tác dụng ngăn ngừa và làm tan cục máu đông gây tắc mạch. Các loại thuốc thuộc nhóm chống đông máu bao gồm: Heparin, Warfarin, Coumarin, Indandion,…
- Thuốc bảo vệ tế bào não: Bệnh nhân cần dùng nhóm thuốc này khi bệnh đã ổn định nhằm bổ sung dinh dưỡng cho tế bào thần kinh, giúp ổn định màng tế bào não, ngăn ngừa cục máu đông, giảm nguy cơ co giật, chóng mặt,… Nhóm thuốc này có một số loại tiêu biểu như: Nootropil, Stugeron, Cerebrolysin, Duxil,…
Bên cạnh đó, còn một số loại thuốc điều trị các bệnh lý cụ thể gây tai biến mạch máu não, chẳng hạn như: Statin giúp giảm mức cholesterol cao; Thuốc Enalapril, Captopril, Acebutolol giúp hạ huyết áp,..
Đối với thể xuất huyết não
- Thuốc cầm máu: Giúp bảo vệ tế bào não, ngăn ổ tổn thương lan rộng. Những loại thuốc có thể được dùng là: Hemocaprol, Transamin...
- Thuốc chống co thắt mạch: Thuốc chống co thắt mạch phổ biến nhất hiện nay là Nimotop. Thuốc này có thể dùng theo đường truyền trong 5 - 7 ngày kể từ khi cơn tai biến khởi phát và sau đó chuyển sang đường uống. Tổng đợt điều trị với Nimotop là 3 tuần.
- Thuốc bảo vệ tế bào não: Cũng giống như trường hợp nhồi máu não, bệnh nhân xuất huyết não khi đã ổn định sẽ cần dùng thuốc bảo vệ não, tăng cường tuần hoàn và dinh dưỡng cho não như: Cerebrolysin, Citicolin, Pervincamin, Cavinton, Stugeron,…
Xem thêm: “Điểm danh” 4 nguyên nhân gây tai biến mạch máu não thường gặp ở người trẻ hiện nay
Những tác dụng phụ của thuốc chữa tai biến
Nhìn chung, các loại thuốc điều trị tai biến mạch máu não trên giúp cải thiện triệu chứng bệnh, đáp ứng mục tiêu trước mắt là giảm tỷ lệ tử vong và hạn chế di chứng nhưng lại tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ cũng như những biến chứng nguy hiểm.
Điển hình là tác dụng phụ của Aspirin – thuốc chữa tai biến thể nhồi máu não phổ biến nhất. Tác dụng phụ “nổi tiếng” nhất của loại thuốc này là gây loét dạ dày. Bên cạnh đó, Aspirin cũng không hiệu quả trên fibrin và độ nhớt máu nên không tác động đến huyết áp.
Hay với thuốc chống đông máu, tác dụng phụ thường gặp nhất của nhóm thuốc này là làm tăng nguy cơ chảy máu. Người dùng thuốc không chỉ bị chảy nhiều máu ở các vết thương hở mà còn có thể chảy máu tại những vết bầm tím. Ngoài ra, một số người còn bị tiểu ra nước màu đỏ hoặc nâu do chảy máu bên trong.
Trong khi đó, ở nhóm thuốc cầm máu, người bệnh có thể xuất hiện những triệu chứng như: Chóng mặt, nôn nao trong người, rối loạn tiêu hóa, thậm chí là tiêu chảy.
Đối với nhóm thuốc bảo vệ tế bào não, những tình trạng như: Đổ mồ hôi, chóng mặt; Nhịp tim nhanh; Đau cơ; Khó thở; Mất ngủ; Ho, sổ mũi; Rối loạn huyết áp,… là các tác dụng phụ rất hay gặp.
Để hạn chế những tác dụng phụ kể trên, cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc của chuyên gia, người bệnh không được tự ý sử dụng.
Xem thêm: Di chứng tai biến mạch máu não cản trở cuộc sống, cần làm gì để cải thiện?