Triệu chứng của tai biến mạch máu não là gì? Khi thấy một người có những triệu chứng như vậy, chúng ta cần xử trí ra sao? Hai câu hỏi này là vấn đề mà rất nhiều người thắc mắc khi tìm hiểu về bệnh tai biến mạch máu não. Và để tìm được lời giải đáp cho những vấn đề này, mời bạn cùng theo dõi nội dung bài viết dưới đây!
Tai biến mạch máu não là gì?
Bệnh tai biến mạch máu não (còn gọi là đột quỵ não) xảy ra khi lưu lượng máu lên não đột ngột gián đoạn do mạch máu não bị tắc hoặc vỡ. Đây là một trong những bệnh về hệ thần kinh phổ biến nhất hiện nay. Tình trạng này sẽ dẫn đến tổn thương hoặc hoại tử não. Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể tử vong chỉ trong vài phút.
Tai biến mạch máu não được chia thành 2 loại là nhồi máu não và xuất huyết não. Cụ thể:
- Nhồi máu não là tình trạng não bị tổn thương do không được cung cấp máu kịp thời, xảy ra khi một cục máu đông xuất hiện, làm tắc mạch máu não. Tình trạng này chiếm hơn 80% số ca tai biến mạch máu não.
- Xuất huyết não là tình trạng não bộ tổn thương do một mạch máu trong não bị vỡ, máu từ ổ tổn thương này tràn ra, thấm vào các mô não gây viêm, sưng và làm phá hủy tế bào não. Tai biến thể xuất huyết não chiếm gần 20% trên tổng số ca mắc bệnh.
Tai biến mạch máu não là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 trên thế giới chỉ sau ung thư và bệnh tim mạch. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 15 triệu người bị tai biến mạch máu não. Trong đó, có 5 triệu người chết và 5 triệu người bị tàn tật vĩnh viễn với những di chứng nặng nề cả về tinh thần cũng như khả năng vận động.
Triệu chứng của tai biến mạch máu não biểu hiện ra sao?
Cấp cứu kịp thời, đúng cách đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị tai biến mạch máu não. Nhưng làm thế nào để nhận biết một cơn tai biến mạch máu não đang xảy ra và chúng ta có thể nhanh chóng đưa người bệnh đi cấp cứu? Hãy cảnh giác với những triệu chứng của tai biến mạch máu não như sau:
Méo miệng, mặt chảy xệ
Nếu một bên mặt đột ngột bị chảy xệ, miệng méo thì đây có thể là triệu chứng của tai biến mạch máu não. Để chẩn đoán bệnh, nhân viên y tế có thể sẽ yêu cầu người bệnh mỉm cười hoặc hé mở hàm răng. Nếu một bên mặt người bệnh chảy xuống hoặc không thể cử động, khả năng cao là người đó đã bị tai biến mạch máu não.
Tê yếu tay chân
Với người bị tai biến mạch máu não, tình trạng một hoặc cả hai tay hoặc chân đột nhiên yếu đi, tê liệt là triệu chứng phổ biến. Hãy yêu cầu người bệnh nâng cả 2 cánh tay, lòng bàn tay hướng lên trong vòng 10 giây. Nếu một cánh tay buông thõng xuống dưới, điều này cho thấy cơ bắp của người đó đã bị suy yếu, cần phải nhanh chóng cấp cứu.
Khó nói
Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của tai biến mạch máu não là chứng khó nói. Cơn tai biến mạch máu não có thể làm giảm khả năng diễn đạt hoặc hiểu lời nói của một người. Để kiểm tra tình trạng này, bạn hãy yêu cầu người bệnh lặp lại một câu đơn giản. Nếu người đó không thể lặp lại chính xác những gì mà bạn đã nói, nói lắp bắp, sai từ hoặc không thể mở miệng, khả năng bị tai biến mạch máu não là rất cao.
Ngoài ra, tình trạng đột ngột đau đầu dữ dội, chóng mặt, mờ mắt, nôn,… cũng có thể là những triệu chứng của tai biến mạch máu não mà bạn cần cảnh giác. Hãy đưa người bệnh tới trung tâm y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời, tránh bỏ lỡ “thời gian vàng” cứu người.
Để được lắng nghe ý kiến chuyên môn về triệu chứng của tai biến mạch máu não, mời bạn cùng theo dõi những phân tích từ chuyên gia Nguyễn Văn Chương trong video sau:
Xem thêm: Di chứng tai biến mạch máu não cản trở cuộc sống, cần làm gì để cải thiện?
Khi thấy những triệu chứng của tai biến mạch máu não cần làm gì?
Tai biến mạch máu não là một tình trạng khẩn cấp, cần được xử trí nhanh chóng và đúng cách để giảm nguy cơ tử vong cũng như hạn chế các di chứng. Chính vì vậy, khi nhận thấy người đối diện có những triệu chứng của bệnh tai biến mạch máu não như trên, bạn hãy nhanh chóng xử trí bằng cách:
- Gọi cấp cứu: Đây là thao tác đầu tiên bạn cần thực hiện. Các chuyên gia y tế có thể bắt đầu quá trình cấp cứu ngay trên xe cứu thương. Nếu điều kiện địa lý không thuận tiện để gọi xe cấp cứu thì bạn có thể tự đưa người thân đến trung tâm y tế gần nhất. Chú ý trong quá trình vận chuyển, cần giữ cho người bệnh được nằm hoặc ngồi ở tư thế ổn định, ít va chạm nhất.
- Sơ cứu: Trong thời gian chờ xe cứu thương, hãy theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Cần đặt người bệnh nằm ở nơi thông thoáng, tư thế ổn định, đầu kê lên một góc khoảng 30% và hơi nghiêng. Nếu người bệnh nôn mửa, khó thở, trong miệng có đờm nhớt thì cần hút sạch để tạo đường thở, hạn chế tối đa nguy cơ chết não. Có thể thực hiện hồi sức tim phổi nếu tình trạng khó thở quá nghiêm trọng và người bệnh rơi vào hôn mê.
- Kiểm tra các hằng số sinh lý: Nếu trong nhà có sẵn thiết bị hỗ trợ thì bạn hãy đo huyết áp, nhịp tim cũng như chỉ số đường huyết của người bệnh trong khi chờ xe cứu thương đến. Bên cạnh đó, bạn cũng nên chuẩn bị hồ sơ bệnh án, ghi lại loại thuốc mà người bệnh đang dùng (nếu có), sẵn sàng cung cấp những thông tin này cho chuyên gia bởi điều này rất hữu ích giúp họ nhanh chóng chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
- Tuyệt đối không cho người bệnh ăn hoặc uống bất kỳ thứ gì nếu không có sự hướng dẫn của chuyên gia.
- Chuẩn bị tâm lý: Người nhà của bệnh nhân tai biến mạch máu não cần chuẩn bị tâm lý vững vàng, chủ động đón nhận một thời kỳ “chiến đấu” lâu dài và vất vả.
Xem thêm: Phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não có khó không?