Tai biến mạch máu não có mấy loại? Đó là những loại nào? Đây là vấn đề mà khá nhiều người quan tâm bởi mỗi loại tai biến có cơ chế hình thành và cách điều trị khác nhau. Trong bài viết này, nattospes.co sẽ mang đến cho bạn một số thông tin hữu ích về các loại tai biến mạch máu não. Hãy cùng theo dõi!
Tai biến mạch máu não có mấy loại?
Tai biến mạch máu não còn có tên gọi khác là đột quỵ não. Đây là tình trạng xảy ra khi mạch máu não bị tắc hoặc vỡ, khiến cho một hoặc nhiều vùng não bị tổn thương, mất khả năng điều khiển các cơ quan trên cơ thể. Người bị tai biến mạch máu não nặng có thể tử vong, nhẹ thì phải gánh chịu những di chứng như: Liệt, méo mặt, mờ mắt, điếc tai,…
Tai biến mạch máu não được chia thành 2 loại chính: Nhồi máu não và xuất huyết não. Cụ thể:
- Nhồi máu não (chiếm hơn 80% trường hợp): Nhồi máu não còn được gọi là thiếu máu não cục bộ, xảy ra khi một động mạch bị cục máu đông làm tắc. Tình trạng bít tắc kéo dài cản trở máu lưu thông lên não, khiến tế bào não thiếu hụt oxy nên dần hoại tử, ảnh hưởng đến các chức năng cơ thể mà chúng chi phối.
- Xuất huyết não (chiếm gần 20% trường hợp): Tình trạng này xảy ra do một mạch máu não bị vỡ, máu tràn ra thấm vào mô não, gây tổn thương cho các tế bào não. Tai biến thể xuất huyết não thường do huyết áp cao kết hợp với chứng phình động mạch hay dị dạng mạch máu não bẩm sinh,… gây nên.
Trong 2 loại trên, xuất huyết não tuy chỉ chiếm phần nhỏ nhưng nguy hiểm hơn nhiều so với nhồi máu não. Người bị xuất huyết não có tỷ lệ tử vong cao và các di chứng thường rất nặng nề.
Xem thêm: “Điểm danh” 4 nguyên nhân gây tai biến mạch máu não thường gặp ở người trẻ hiện nay
Phương pháp điều trị từng loại tai biến mạch máu não
Vì cơ chế bệnh sinh của 2 loại tai biến mạch máu não là khác nhau nên các phương pháp điều trị cũng không giống nhau, đặc biệt là trong giai đoạn cấp cứu. Cụ thể:
Đối với thể nhồi máu não
- Tái thông mạch máu não bằng rTPA(chất hoạt hóa plasminogen mô): Người bệnh có thể được tiêm rTPA qua tĩnh mạch hoặc động mạch. Trong đó, tiêm rTPA tĩnh mạch được chỉ định cho bệnh nhân tai biến loại nhồi máu não trong vòng 3 – 4,5 giờ từ lúc khởi phát, chống chỉ định trên bệnh nhân có triệu chứng quá nhẹ hoặc quá nặng, bệnh nhân đang hồi phục nhanh hay người có dấu hiệu xuất huyết, rối loạn đông máu,… Còn rTPA đường động mạch được chỉ định cho bệnh nhân tai biến thể nhồi máu não thuộc động mạch não giữa trong vòng 3 - 6 giờ sau khi khởi phát hoặc thất bại với rTPA tĩnh mạch.
- Tái thông bằng dụng cụ cơ học: Phương pháp này được chỉ định cho bệnh nhân nhồi máu não không đáp ứng với rTPA, đã xác định được vị trí tắc bằng hình ảnh.
- Dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu: Loại thuốc này được chỉ định trong vòng 24 - 48 giờ kể từ khi cơn tai biến khởi phát. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đã được tiêm rTPA thì không dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu.
Đối với thể xuất huyết não
- Dùng thuốc cầm máu trong thời gian đầu phát bệnh để bảo vệ các tế bào não, ngăn ngừa ổ tổn thương lan rộng.
- Dùng thuốc chống co thắt mạch theo đường truyền trong 5 - 7 ngày kể từ khi cơn tai biến khởi phát và sau đó chuyển sang đường uống. Tổng đợt điều trị là 3 tuần.
Sau quá trình cấp cứu, đối với cả 2 thể bệnh, người bị tai biến đều cần tiếp tục bảo vệ tế bào não, phục hồi chức năng, cải thiện di chứng, loại bỏ các yếu tố nguy cơ để ngăn ngừa tai biến mạch máu não tái phát. Ngoài việc tiếp tục điều trị những bệnh nền sẵn có, bệnh nhân thường được kê thuốc bảo vệ não, tăng cường tuần hoàn và dinh dưỡng cho não, thực hiện vật lý trị liệu tại trung tâm và tự luyện tập, cải thiện chế độ ăn uống, sinh hoạt tại nhà để hoàn thành mục tiêu này.
Xem thêm: 5 cơ sở điều trị sau tai biến mạch máu não uy tín trên toàn quốc
Phòng ngừa tai biến mạch máu não như thế nào?
Có thể thấy rằng, việc điều trị tai biến mạch máu não vô cùng phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng. Chính vì vậy, “phòng bệnh hơn chữa bệnh” vẫn là phương châm hàng đầu. Để phòng ngừa tai biến mạch máu não, có một số vấn đề mà các chuyên gia đã khuyến cáo. Cụ thể:
Điều trị các bệnh lý nguy cơ: Các bệnh như: Tăng huyết áp, tiểu đường, xơ vữa động mạch, rung nhĩ,… là những yếu tố làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não. Bạn cần tích cực điều trị các bệnh này bằng cách thường xuyên theo dõi các chỉ số, uống thuốc theo chỉ định. Lưu ý, tuyệt đối không được tự ý bỏ thuốc giữa chừng.
Hạn chế rượu bia: Đồ uống chứa cồn có thể làm tăng huyết áp, triglycerid (một loại chất béo) trong máu và cân nặng cơ thể, từ đó sẽ gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não. Chính vì vậy, nếu muốn phòng ngừa tai biến, bạn cần hạn chế uống rượu bia.
Bỏ thuốc lá: Các chuyên gia cho rằng, khói thuốc lá làm giảm oxy trong máu, cản trở sự lưu thông máu trong cơ thể và kích thích động mạch, tạo điều kiện cho mảng xơ vữa tích tụ ở lòng mạch. Những người hút thuốc có nguy cơ bị nhồi máu não cao gấp 2 lần và xuất huyết não cao 4 lần so với bình thường.
Ăn uống khoa học: Bạn cần ăn đủ bữa, đúng giờ với những loại thực phẩm lành mạnh. Hãy ăn nhiều rau xanh, trái cây, các loại thực phẩm giàu vitamin, chất xơ; Hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, nhất là mỡ động vật, thực phẩm chế biến sẵn, món ăn mặn,…
Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục là cách tuyệt vời để phòng ngừa và hạn chế những di chứng của tai biến mạch máu não. Bởi việc thường xuyên luyện tập sẽ giúp bạn có nền tảng sức khỏe tốt hơn, đồng thời giảm tình trạng béo phì – một trong những yếu tố nguy cơ của tai biến.
Xem thêm: Di chứng tai biến mạch máu não cản trở cuộc sống, cần làm gì để cải thiện?