Châm cứu là phương pháp nhiều người áp dụng sau tai biến mạch máu não. Vậy, phục hồi chức năng sau tai biến bằng châm cứu được thực hiện như thế nào và cho hiệu quả ra sao đối với những di chứng thường gặp nhất sau đột quỵ? Nếu đang có những thắc mắc như vậy, bạn hãy dành ra 3 phút tìm câu trả lời trong bài viết này!
Cách phục hồi chức năng sau tai biến bằng châm cứu
Tai biến mạch máu não là tình trạng não bị tổn thương do mạch máu não bị tắc hoặc vỡ, dẫn đến mất nhiều chức năng: Vận động, ngôn ngữ, tư duy, đại – tiểu tiện,…
Việc phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não tuy quan trọng nhưng lại vô cùng phức tạp, gian nan. Ngoài thực hành vật lý trị liệu như thông thường, một số người kết hợp với châm cứu để giảm đau và cải thiện chuyển động.
Đối với phương pháp phục hồi chức năng sau tai biến bằng châm cứu, trước hết thầy thuốc sẽ kiểm tra tình trạng sức khỏe tổng quát của người bệnh. Thông thường, họ sẽ nhìn vào lưỡi để chẩn đoán và quyết định các huyệt vị phù hợp. Trung bình, số lượng huyệt áp dụng với mỗi bệnh nhân tai biến mạch máu não là 15 huyệt. Một số trường hợp chỉ cần châm 10 huyệt là phù hợp với tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
Các huyệt châm cũng như tư tế điều trị: Đứng, ngồi, nằm sấp, nằm ngửa,… sẽ được quyết định tùy thuộc vào từng di chứng. Cụ thể:
- Nếu bệnh nhân bị liệt mặt: Châm các huyệt: Giáp xa, Địa thương, Toán trúc, Hợp cốc, Thái xung.
- Nếu bệnh nhân bị liệt nửa người: Châm các huyệt: Kiên ngung, Khúc trì, Hợp cốc, Bát tà, Phục thỏ, Túc tam lý, Giải khê, Bát phong.
- Nếu bệnh nhân bị nói khó, cứng lưỡi: Châm các huyệt: Á môn, Liêm tuyền, Thông lý.
Liệu trình phục hồi chức năng sau tai biến bằng châm cứu thường kéo dài từ 10 – 12 buổi, mỗi buổi khoảng 30 phút. Bên cạnh đó, thầy thuốc có thể thêm nhiệt hoặc xoa bóp cho người bệnh trong quá trình châm cứu. Trên thực tế, đây là phương pháp không phải ai cũng có thể thực hiện, người bệnh cần tới những phòng khám, cơ sở uy tín với chuyên gia được cấp phép hành nghề để điều trị.
Xem thêm: “Điểm danh” 4 nguyên nhân gây tai biến mạch máu não thường gặp ở người trẻ hiện nay
Hiệu quả của phương pháp phục hồi chức năng sau tai biến bằng châm cứu
Trong những năm qua, dù có rất nhiều người thực hiện phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não bằng châm cứu nhưng trên thực tế, về mặt khoa học, vẫn chưa có đủ các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn để đưa ra kết luận về hiệu quả của phương pháp này.
Năm 2016, các chuyên gia Mỹ đã công bố kết quả 31 nghiên cứu về phục hồi chức năng sau tai biến bằng châm cứu trên tổng số 2257 bệnh nhân tham gia. Theo các tác giả của đề tài này, phương pháp châm cứu có thể giúp cải thiện sự phụ thuộc và tình trạng suy giảm thần kinh ở những người bị tai biến mạch máu não.
Trong một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Y học Châm cứu của Mỹ vào năm 2015, các nhà khoa học đã tiến hành so sánh hiệu quả giữa việc phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não chỉ bằng vật lý trị liệu với điều trị kết hợp vật lý trị liệu và châm cứu (lâu nhất 3 tháng). Kết quả cho thấy, phương pháp điều trị kết hợp giữa châm cứu và vật lý trị liệu có hiệu quả tích cực hơn so với chỉ thực hành vật lý trị liệu, các di chứng của tai biến mạch máu não như: Khó nuốt, cứng cơ, co giật… được cải thiện rất hiệu quả khi kết hợp vật lý trị liệu với châm cứu.
Tuy nhiên, có một điều cần lưu ý là sau khi châm cứu, người bệnh có thể bị đau, sưng, bầm tím hoặc chảy máu tại vị trí châm. Trong một số trường hợp hiếm gặp, bệnh nhân có thể bị ngất, chấn thương nội tạng, tụ máu, nhiễm trùng…
Bên cạnh đó, nếu bạn bị rối loạn chảy máu hoặc đang dùng thuốc chống đông máu, đặt máy tạo nhịp tim, bạn đang mang thai hoặc có hệ thống miễn dịch bị tổn thương, thì châm cứu có thể không phù hợp. Chính vì thế, cần tham khảo kỹ ý kiến chuyên gia xem bạn có phải là đối tượng phù hợp với phương pháp này hay không trước khi quyết định áp dụng.
Xem thêm: Di chứng tai biến mạch máu não cản trở cuộc sống, cần làm gì để cải thiện?