Hậu quả của tai biến mạch máu não không chỉ là về mặt thể chất với các di chứng: Liệt, méo miệng, đi lại khó khăn… mà còn ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý, cảm xúc và hành vi của người bệnh. Cụ thể, những vấn đề về tinh thần có thể xảy ra sau tai biến mạch máu não là gì? Cách cải thiện ra sao? Đừng bỏ lỡ những thông tin ngay sau đây! 

Hậu quả của tai biến mạch máu não về mặt tâm lý 

Tai biến mạch máu não (hay đột quỵ não) là tình trạng một phần não bộ bị tổn thương do không được cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng. Tình trạng này xảy ra khi dòng máu lưu thông lên não đột ngột ngưng trệ do tắc hoặc vỡ mạch máu não, khiến các tế bào não bị tổn thương và dần hoại tử, mất khả năng kiểm soát các cơ quan trong cơ thể.

Khi nhắc đến tai biến mạch máu não, mọi người thường nghĩ tới các di chứng thể chất như: Liệt, méo miệng, mờ mắt, nói ngọng, đi lại khó khăn… Song, trên thực tế, hậu quả của tai biến mạch máu não đối với tâm lý người bệnh cũng nặng nề không kém. Người bệnh có thể rơi vào một số trạng thái tiêu cực như:

Trầm cảm

Trầm cảm là hậu quả nặng nề và phổ biến nhất về tâm lý sau tai biến mạch máu não. Theo thống kê, có tới 60% bệnh nhân tai biến bị trầm cảm nghiêm trọng, tức là mức độ trầm cảm nặng và thời gian trầm cảm kéo dài. Nguy hiểm hơn, tình trạng này càng kéo dài càng khó chữa. 

Cảm giác lạc lõng

Sau tai biến mạch máu não, nhiều người không thể tiếp tục làm những công việc mình đang làm, không thể tham gia vào các hoạt động xã hội, một số người phải chuyển đến nơi ở mới để tiện cho việc điều trị. Tất cả những yếu tố này có thể dẫn đến tình trạng lạc lõng, khó hòa nhập xã hội của người bệnh.

Hung hăng, thù dai

Một số người sống sót sau tai biến mạch máu não trở nên dễ thù hằn và hay tức giận. Tình trạng này thường là kết quả của sự tích tụ nhiều cơn tai biến mạch máu não nhỏ trong não, gây suy giảm trí nhớ và thay đổi hành vi.

Trở nên nhạt nhẽo, kém hài hước

Nhiều người trước khi bị tai biến rất hài hước nhưng kể từ lúc mắc bệnh thì không còn vui tính nữa. Đôi khi, họ không nhận ra và cũng không phản ứng với trò đùa của người khác. Di chứng này xuất phát từ tình trạng suy giảm nhận thức bởi khiếu hài hước đòi hỏi nhận thức tốt và suy nghĩ nhanh. 

Hay ghen tị

Trường hợp tai biến mạch máu não làm chấn thương vỏ não phải có thể gây ra một hội chứng hiếm gặp gọi là Othello. Người mắc hội chứng này thường ghen tuông phi lý, đặc biệt là trong mối quan hệ yêu đương. 

Thiếu trách nhiệm xã hội

Một số bệnh nhân sau tai biến mạch máu não có những hành động thiếu văn minh như: Chửi bới, xúc phạm người khác, thậm chí khỏa thân hay đại, tiểu tiện ở nơi công cộng. Họ không hiểu rằng, những hành vi này là không thể chấp nhận được và cũng không có khả năng xin lỗi hay sửa sai. Tình trạng này xảy ra do thùy trán bị tổn thương trong cơn tai biến và có thể được kiểm soát khi người bệnh cảm thấy thoải mái trong môi trường quen thuộc và càng ít căng thẳng càng tốt.

Xem thêm: Thông tin về từng loại tai biến mạch máu não

Cải thiện các di chứng tâm lý của tai biến mạch máu não như thế nào?

Hiện nay, phương pháp cải thiện tinh thần cho người bệnh sau tai biến mạch máu não thường là kết hợp giữa trị liệu tâm lý và sử dụng thuốc an thần, chống trầm cảm theo toa. 

Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng, phần lớn các hậu quả của tai biến mạch máu não về mặt tâm lý xảy ra do sự sa sút sức khỏe, người bệnh có những suy nghĩ tiêu cực vì họ chán ghét sự yếu đuối của bản thân hiện tại chứ không phải đã có vấn đề tâm thần trước đó. Vì vậy, ngoài việc trị liệu tâm lý, điều quan trọng là người bị tai biến phải cải thiện tốt các di chứng thể chất. 

Bên cạnh việc tham gia vào các buổi vật lý trị liệu dưới sự hướng dẫn của chuyên gia, bệnh nhân tai biến mạch máu não cần tích cực luyện tập để phục hồi sức khỏe tại nhà. Trong quá trình này, vai trò của các thành viên trong gia đình cũng hết sức quan trọng. Những người xung quanh có thể giúp bệnh nhân sớm vượt qua các di chứng tai biến mạch máu não bằng cách hỗ trợ họ xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh tại nhà, cụ thể:

Chế độ sinh hoạt

Người bị tai biến cần tránh thức khuya, tranh cãi căng thẳng và tránh xa các chất kích thích như: Thuốc lá, rượu bia… Bên cạnh đó, nên tăng cường giao lưu, gặp gỡ người thân, bạn bè để tinh thần thoải mái hơn.

Đặc biệt, người bị sa sút tinh thần sau tai biến cần nghỉ ngơi nhiều hơn, hạn chế tiếp xúc với những nguồn gây căng thẳng. Việc giữ tâm lý ổn định, thoải mái, thư thái sẽ rất có ích cho quá trình phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não.

Chế độ ăn uống

Người bị tai biến cần duy trì chế độ ăn đủ chất, khoa học, tăng cường chất xơ, rau xanh và hoa quả, thực phẩm nhiều vitamin; Tránh đồ ăn mặn hoặc những món chiên rán. Các món ăn của người bị tai biến mạch máu não nên được chế biến ở dạng mềm, lỏng như cháo, súp,… và nên chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa để không gây áp lực cho hệ tiêu hóa.

Xem thêm: Nguyên nhân tai biến mạch máu não tái phát và cách phòng ngừa