Đột quỵ xảy ra có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau cùng phối hợp. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giúp bạn “điểm mặt” 10 nguyên nhân gây đột quỵ phổ biến nhất cũng như cách phòng ngừa đột quỵ tại nhà. Hãy cùng theo dõi tới cuối bài viết để có thêm những thông tin hữu ích giúp bảo vệ sức khỏe nhé!
10 nguyên nhân gây đột quỵ phổ biến
Đột quỵ (hay tai biến mạch máu não) là tình trạng não bộ bị tổn thương do tắc hoặc vỡ mạch máu não. Lúc này, một hoặc nhiều vùng não không được cung cấp đủ oxy và dưỡng chất để có thể hoạt động bình thường. Do đó, não sẽ giảm hoặc ngừng hẳn hoạt động, mất chức năng điều khiển các cơ quan khác. Có rất nhiều yếu tố dẫn tới sự khởi phát của cơn đột quỵ, dưới đây là 10 nguyên nhân phổ biến nhất:
- Xơ vữa động mạch: Đây là tình trạng mảng bám tích tụ trên thành mạch, khiến mạch máu cứng lại, lòng mạch bị thu hẹp làm cho lưu thông máu gặp khó khăn. Các mảng xơ vữa có thể bong ra, kết hợp với tiểu cầu tạo thành cục máu đông, sau đó sẽ chạy dần lên não gây tắc nghẽn mạch máu não.
- Cao huyết áp: Huyết áp là số đo áp lực của máu tác động lên thành mạch, phản ánh cơ chế bơm máu của tim và sự co giãn thành động mạch. Áp lực của máu lên thành mạch ở mức cao trong thời gian dài khiến cho thành mạch bị giãn dần ra và yếu hơn, rất dễ vỡ, các mảng bám cũng có thể tích tụ lại trên thành mạch máu gây xơ vữa động mạch, làm tăng nguy cơ đột quỵ.
- Tiểu đường: Tiểu đường là nguyên nhân khiến cho quá trình xơ vữa động mạch diễn ra nhanh hơn, làm bít tắc lòng động mạch. Do vậy, người mắc tiểu đường có nguy cơ cao bị đột quỵ, đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim…
- Bệnh tim: Một số bệnh về tim cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ, bởi khi trái tim không khỏe mạnh, việc bơm máu đi khắp cơ thể sẽ bị ảnh hưởng. Máu không lưu thông tốt dễ hình thành cục máu đông hoặc khiến huyết áp không ổn định.
- Dị dạng mạch máu não: Dị dạng mạch máu não là tình trạng động mạch và tĩnh mạch kết nối bất thường. Máu lưu thông qua dị dạng mạch máu với áp suất cao dễ dẫn đến đột quỵ thể chảy máu não hoặc động kinh.
- Phình động mạch: Phình động mạch là tình trạng thành mạch máu suy yếu và sưng lên. Khi túi phình sưng quá giới hạn đàn hồi của mạch máu, nó có thể vỡ ra, khiến máu chảy vào não, dẫn đến đột quỵ xuất huyết não. Hầu hết trường hợp phình động mạch không có triệu chứng cụ thể và dễ bị bỏ qua.
- Béo phì: Chất béo dư thừa trong cơ thể dễ dẫn đến viêm, tắc mạch máu, tăng hàm lượng cholesterol, dễ gây xơ vữa động mạch, cao huyết áp và bệnh tim – những yếu tố nguy cơ hàng đầu của đột quỵ não.
- Hút thuốc lá: Các chất kích thích trong thuốc lá làm tăng nhịp tim, huyết áp và gây bệnh mạch vành - những yếu tố liên quan chặt chẽ đến sự hình thành cục máu đông gây tắc mạch.
- Uống rượu bia: Khi đi vào cơ thể, rượu bia có thể làm giảm đột ngột số lượng hồng cầu trong máu, từ đó gây thiếu máu, mệt mỏi, khó thở, chóng mặt… Không những thế, độ dính của tiểu cầu cũng tăng, có khuynh hướng tạo thành cục máu đông.
- Lười luyện tập: Tập luyện thường xuyên giúp nâng cao thể trạng. Việc lười luyện tập không chỉ góp phần khiến tuần hoàn máu kém mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim và mạch máu – những yếu tố nguy cơ hàng đầu của đột quỵ.
Xem thêm: Tại sao nhiều người béo phì bị đột quỵ?
Làm gì để phòng ngừa đột quỵ?
Để phòng ngừa đột quỵ, có một số vấn đề mà các chuyên gia đã khuyến cáo. Cụ thể:
Điều trị các bệnh lý nguy cơ: Một số bệnh tim mạch như đã nêu trên là những yếu tố nguy cơ hàng đầu của đột quỵ. Bạn cần tích cực điều trị các bệnh này bằng cách thường xuyên theo dõi những chỉ số, uống thuốc theo chỉ định.
Xây dựng chế độ sống lành mạnh: Chế độ sống lành mạnh, ăn ngủ đúng giờ, hạn chế căng thẳng, không sử dụng rượu bia, chất kích thích, không hút thuốc lá… cũng là một “lá chắn” vững chắc giúp bạn ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ.
Ăn uống khoa học: Bạn cần ăn đủ bữa, đúng giờ với những loại thực phẩm lành mạnh. Hãy ăn nhiều rau xanh, trái cây, các loại thực phẩm giàu vitamin, chất xơ; Hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, nhất là mỡ động vật, thực phẩm chế biến sẵn, món ăn mặn,…
Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục là cách tuyệt vời để phòng ngừa và hạn chế những di chứng của đột quỵ, bởi việc luyện tập sẽ giúp bạn tăng cường thể trạng, hạn chế được các yếu tố nguy cơ của đột quỵ.
Cần xây dựng lối sống tích cực để phòng ngừa đột quỵ
Xem thêm: Đột quỵ vì thức khuya: Lời cảnh tỉnh cho những ai còn giữ thói quen xấu!