Đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai, vào bất kỳ thời điểm nào. Đối với cánh tài xế, rất nhiều trường hợp đột quỵ khi lái xe dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Vậy, tại sao các bác tài lại hay bị đột quỵ và những đối tượng này cần làm gì để phòng ngừa bệnh hiệu quả? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này!
Tại sao nhiều người bị đột quỵ khi lái xe?
Tháng 8 năm ngoái, trên địa bàn huyện Thạch Hóa, Long An xảy ra vụ tài xế 25 tuổi tên L. tử vong khi đang điều khiển xe tải chở cá chạy trên quốc lộ 62.
Đoạn phim do camera gắn trong cabin ghi lại cho thấy, tài xế này đang chạy xe bình thường thì bất ngờ gục chúi đầu xuống vôlăng rồi ngã vật ra. Tài xế phụ lúc này đang nằm sau lưng anh L., do thấy xe bị dằn xóc đã kịp nhảy lên ghế tài để cho xe dừng an toàn bên lề đường. Ghi nhận từ cơ quan chức năng cho thấy, tài xế L. tử vong do đột quỵ.
Trước đó, vào đầu năm 2017, ở Thanh Hóa cũng xảy ra trường hợp tương tự nhưng tài xế may mắn hơn vì đã duy trì được sự sống. Đó là trường hợp của anh Nguyễn Văn Thành (đường Ngô Quyền, phường Trung Sơn, TP. Sầm Sơn, Thanh Hóa. Anh Thành cho biết: “Ngày 5-2 Âm lịch năm 2017, sau khi ăn cơm và uống rượu buổi trưa, lúc đang trên đường lái xe từ Sầm Sơn về thành phố Thanh Hóa, khi đến cảng Lễ Môn thì bỗng dưng tôi không còn biết gì nữa”.
Sau đó, anh Thành bất tỉnh và khi mở mắt lại thì thấy mình đang nằm ở bệnh viện. Các bác sĩ chẩn đoán anh bị đột quỵ dẫn đến liệt nửa người bên trái, méo miệng. Kể từ đó, anh Thành phải chạy chữa rất nhiều nơi, cuộc sống phụ thuộc vào sự chăm sóc của vợ con. Bạn có thể theo dõi chi tiết câu chuyện của anh Thành TẠI ĐÂY.
Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều câu chuyện về đột quỵ khi lái xe. Nhiều người thắc mắc rằng: Tại sao cánh tài xế lại hay bị đột quỵ như vậy? Trả lời cho vấn đề này, các chuyên gia nêu ra 2 nguyên nhân chính, đó là do làm việc quá sức và chế độ sống chưa khoa học.
Công việc lái xe thực chất là một công việc hết sức vất vả, nhiều tài xế phải lái xe đường dài, bất chấp nắng mưa, sáng sớm hay tối muộn. Trong lúc lái xe, họ phải liên tục quan sát, tính toán, cân nhắc giữ khoảng cách, đôi khi còn phải tự mình sửa xe, bốc dỡ hàng hóa… Duy trì công việc này trong thời gian dài dễ dẫn đến mất sức, thể trạng suy yếu, gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Bên cạnh đó, để giữ cho mình luôn tỉnh táo, nhiều tài xế thường xuyên hút thuốc, không ít người còn tụ tập với đồng nghiệp để uống rượu thâu đêm. Chính những thói quen không lành mạnh như vậy khiến nguy cơ đột quỵ tăng cao.
Xem thêm: Ăn gì phòng ngừa đột quỵ tốt?
Đột quỵ khi lái xe có những triệu chứng gì?
Đột quỵ (hay còn gọi tai biến mạch máu não) là tình trạng xảy ra khi mạch máu não bị tắc hoặc vỡ. Người bị đột quỵ nếu không được điều trị kịp thời có thể tử vong hoặc gặp rất nhiều di chứng, phổ biến nhất là: Liệt, méo miệng, suy giảm thị lực,…
Bệnh đột quỵ nói chung, đột quỵ khi lái xe nói riêng thường có một số triệu chứng điển hình như:
- Yếu, tê liệt một bên mặt và tay, chân.
- Một bên mắt đột nhiên bị mờ hoặc không nhìn thấy gì.
- Khó nói, không hiểu lời nói của người khác.
- Chóng mặt, mất thăng bằng, đi loạng choạng như người say rượu.
- Đột ngột đau đầu dữ dội.
- Đại, tiểu tiện không tự chủ.
Qua trường hợp của 2 tài xế được kể đến ở phần trên, có thể thấy rằng, đột ngột bất tỉnh, mất ý thức cũng có thể là một triệu chứng của đột quỵ khi lái xe mà mọi người cần cảnh giác.
Xem thêm: Phù não sau đột quỵ - Tình trạng nguy hiểm cần đặc biệt cảnh giác!
Cách xử trí đột quỵ khi lái xe
Xử trí đột quỵ kịp thời, đúng cách giúp giảm nguy cơ tử vong cũng như hạn chế di chứng. Đối với cánh tài xế, khi thấy mình đột nhiên có những triệu chứng như đã liệt kê ở trên thì cần nhanh chóng dừng xe tấp vào lề đường, nhờ người xung quanh giúp đỡ hoặc nếu không có ai thì trực tiếp gọi điện thoại tới số cấp cứu 115 và thông báo địa điểm để được cấp cứu.
Trong trường hợp xe có lái phụ, tài xế phụ hãy nhanh chóng đưa người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình này, hãy đặt người bệnh được nằm hoặc ngồi ở tư thế ổn định, ít xóc nảy nhất, đầu hơi nghiêng.
Nếu đã gọi cấp cứu và đang chờ xe cứu thương đến, cần quan sát người bệnh kỹ lưỡng. Nếu người bệnh nôn ói, khó thở, trong miệng có đờm nhớt thì cần hút sạch để giúp thông thoáng đường thở, cung cấp oxy cho cơ thể, hạn chế tối đa nguy cơ chết não.
Lưu ý, tuyệt đối không được cho người bị đột quỵ ăn hay uống bất kỳ thứ gì mà chưa được sự chỉ dẫn của chuyên gia.
Cấp cứu nhanh chóng giúp giảm nguy cơ tử vong và hạn chế di chứng ở người bị đột quỵ
Xem thêm: 5 dấu hiệu đột quỵ trước 1 tuần và cách phòng ngừa hiệu quả
Cánh tài xế cần làm gì để phòng ngừa đột quỵ?
Trên cơ sở những nguyên nhân gây đột quỵ khi lái xe như đã phân tích ở phần trước, các chuyên gia khuyến cáo cánh tài xế nên điều tiết, bố trí công việc hợp lý. Đặc biệt, mỗi xe lớn như xe tải, container hay xe khách thường xuyên chạy cung đường xa, chạy xuyên đêm… nên có ít nhất một lái phụ để giảm bớt căng thẳng và có thời gian nghỉ ngơi.
Sau những chặng đường dài, các bác tài xế cũng nên dành thời gian nghỉ ngơi, vận động xương khớp, nhất là khớp gối. Không nên cả nể sa đà vào những cuộc nhậu đầy bia rượu. Và đặc biệt, nên tránh xa thuốc lá bởi khói thuốc vừa ảnh hưởng đến hành khách vừa ảnh hưởng vô cùng tiêu cực đến sức khỏe, làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Đặc biệt, đừng quên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng. Mỗi chúng ta đều nên ăn uống lành mạnh với chế độ ăn tăng cường rau xanh, trái cây, cá biển, hạn chế đồ ăn mặn, thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, nước có ga…
Ngoài ra, người mắc các bệnh mạn tính liên quan đến tim mạch, hô hấp cần lưu ý kiểm tra và giữ nhịp tim ở mức an toàn, đo huyết áp mỗi ngày, luôn mang theo thuốc xịt bên người nếu bị hen suyễn.
Xem thêm: Co cứng cơ sau đột quỵ có nguy hiểm không? Làm gì để khắc phục?