Nguyên tắc phục hồi chức năng cho bệnh nhân liệt nửa người sau tai biến là gì? Làm thế nào để người bị tai biến có thể đi lại, vận động dễ dàng và sinh hoạt tự chủ hơn? Để biết thêm thông tin về bệnh tai biến liệt nửa người và cách cải thiện khoa học, hiệu quả, mời bạn cùng theo dõi nội dung bài viết dưới đây!

Thông tin cần biết về bệnh tai biến liệt nửa người

Tai biến mạch máu não (hay còn gọi đột quỵ) là tình trạng một phần não bộ bị tổn thương do không được cung cấp oxy và chất dinh dưỡng kịp thời. Tình trạng này xảy ra khi mạch máu não bị tắc hoặc vỡ. Lúc này, các tế bào não bị thiếu oxy sẽ dần hoại tử, mất khả năng kiểm soát cơ thể.

Tai biến mạch máu não có thể gây ra rất nhiều di chứng, chẳng hạn như: Liệt nửa người, méo miệng, co cứng cơ, rối loạn tâm thần,... Trong đó, liệt nửa người là di chứng phổ biến nhất. Theo thống kê, có đến 80% bệnh nhân tai biến mạch máu não bị liệt nửa người với những biểu hiện như: Mất thăng bằng, không thể hoặc khó đi lại, không cầm nắm được đồ vật, mất định hướng, hay bị đau mỏi cơ,… 

Tình trạng liệt nửa người sau tai biến mạch máu não có thể là liệt ở bên trái hoặc bên phải, phụ thuộc vào vị trí vùng não xảy ra tai biến. Nếu bán cầu não trái bị tổn thương thì sẽ gây liệt nửa người bên phải, và ngược lại, nếu bán cầu não phải bị tổn thương thì sẽ gây liệt nửa người bên trái. Di chứng này khiến người bệnh không thể tự thực hiện các hoạt động sống như bình thường mà phải trông đợi vào sự giúp đỡ của người xung quanh. Từ đó, chất lượng cuộc sống bị suy giảm nặng nề. 

Xem thêm: Thông tin về từng loại tai biến mạch máu não

Mục tiêu của phục hồi chức năng cho bệnh nhân liệt nửa người sau tai biến

Phục hồi chức năng là chuyên ngành áp dụng nhiều biện pháp như: Y học, kỹ thuật phục hồi, giáo dục học, xã hội học…, nhằm làm cho người tàn tật có thể thực hiện được tối đa những chức năng đã bị giảm hoặc mất, tiến tới sống tự lập, tái hòa nhập xã hội. 

Với bệnh nhân tai biến mạch máu não liệt nửa người, nếu không kịp thời phục hồi chức năng thì mức độ tàn tật sẽ tăng lên, đi kèm nhiều biến chứng và phải sống lệ thuộc vào người khác. Bởi vậy, phục hồi chức năng chính là nhiệm vụ quan trọng nhất với những đối tượng này. Quá trình phục hồi chức năng cho bệnh nhân liệt nửa người sau tai biến cần đáp ứng các mục tiêu:

- Dự phòng tai biến mạch máu não tái phát.

- Giúp người bệnh có thể tự di chuyển từ nơi này đến nơi khác, bao gồm cả sử dụng các dụng cụ trợ giúp vận động.

- Giúp người bệnh có thể tự phục vụ mình trong sinh hoạt hàng ngày.

- Giúp người bệnh thích nghi và dần cải thiện các di chứng còn lại.

- Giúp người bệnh có thể trở lại với nghề cũ hoặc tìm kiếm được nghề mới phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.

Xem thêm: Nguyên nhân tai biến mạch máu não tái phát và cách phòng ngừa

Nguyên tắc phục hồi chức năng cho bệnh nhân liệt nửa người sau tai biến

Trên thực tế, các liệu pháp phục hồi chức năng nói chung, phục hồi chức năng cho bệnh nhân liệt nửa người sau tai biến nói riêng cần tuân thủ một số nguyên tắc đặc biệt. Không phải ai cũng có thể tự luyện tập mà có thể cải thiện được sức khỏe. Có 5 nguyên tắc phục hồi chức năng cho bệnh nhân liệt nửa người sau tai biến, cụ thể:

- Tiến hành phục hồi chức năng sớm: Cần cho người bệnh trị liệu phục hồi ngay từ khi cơn tai biến chuyển sang giai đoạn ổn định (Các triệu chứng tổn thương thần kinh không tiến triển nặng thêm; Mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở ổn định), thường là sau khoảng 2-3 ngày kể từ khi cơn tai biến mạch máu não khởi phát. 

- Không bỏ bê bên liệt: Bệnh nhân tai biến liệt nửa người cần được tập ở các tư thế và vị trí khác nhau, từ dễ đến khó, đơn giản đến phức tạp… và phải đảm bảo luyện tập đều 2 bên, không quá phụ thuộc vào bên lành mà bỏ bê nửa cơ thể bị liệt.

- Chỉ trợ giúp khi cần thiết: Trong quá trình luyện tập phục hồi chức năng, bệnh nhân cần chủ động tối đa, người điều trị chỉ trợ giúp khi cần thiết và khi người bệnh đã tiến triển thì giảm dần trợ giúp càng sớm càng tốt.

- Tập luyện ngay cả khi xuất viện: Khi đã kết thúc quá trình điều trị tại bệnh viện hoặc cơ sở trị liệu, bệnh nhân cần tiếp tục phục hồi chức năng tại nhà và cộng đồng để tái hòa nhập với gia đình cũng như xã hội. 

- Kiên trì: Phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não không phải chuyện một sớm một chiều, người bệnh cần kiên trì, hợp tác tích cực với các chuyên gia và thành viên trong gia đình để hướng tới mục tiêu cao nhất là sinh hoạt độc lập và hòa nhập với cộng đồng.

Xem thêm: Cách luyện tập sau tai biến mạch máu não để cải thiện di chứng liệt nửa người