Phòng ngừa đột quỵ não là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu khi phải đối mặt với căn bệnh nguy hiểm này. Ngoài việc thường xuyên khám sức khỏe, sử dụng thuốc trị bệnh tim mạch theo hướng dẫn của các bác sĩ, việc xây dựng những thói quen sống nhỏ cũng có thể giúp phòng ngừa đột quỵ não rất hiệu quả. Những điều đơn giản đang được nhắc đến là gì?
Đột quỵ não nguy hiểm như thế nào?
Đột quỵ não (hay tai biến mạch máu não) là tình trạng xảy ra khi dòng máu lên não đột ngột bị gián đoạn do tắc hoặc vỡ mạch máu não. Lúc này, một phần não không được cung cấp đủ oxy và dưỡng chất sẽ suy yếu rồi dần hoại tử, mất khả năng điều khiển các cơ quan khác.
Các chuyên gia trên thế giới đều cho rằng, đột quỵ não là bệnh lý vô cùng nguy hiểm bởi đây là:
Nguyên nhân gây tử vong thứ 3 thế giới
Trong nhiều năm liền, đột quỵ não luôn được biết đến là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau bệnh ung thư và tim mạch. Tử vong chính là hậu quả đáng tiếc nhất có thể xảy ra do đột quỵ.
Nguyên nhân gây tàn tật hàng đầu
Theo thống kê, đột quỵ não chính là nguyên nhân gây tàn tật hàng đầu ở những quốc gia đang phát triển. Người bị đột quỵ não thường gặp các di chứng như: Liệt nửa người, mất ngôn ngữ, suy giảm nhận thức,... Nếu không tích cực trị liệu, những di chứng này có thể kéo dài, đi theo người bệnh cả đời, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Đột quỵ não là nguyên nhân gây tử vong và tàn tật hàng đầu
Xem thêm: 10 nguyên nhân gây đột quỵ phổ biến – Ai cũng cần cảnh giác!
Những hành động đơn giản giúp phòng ngừa đột quỵ não
Vì đột quỵ não vô cùng nguy hiểm nên nhiều người nghĩ rằng, việc phòng ngừa bệnh rất phức tạp. Tuy nhiên, thực tế có phần trái ngược. Bạn có thể giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ não chỉ bằng việc xây dựng lối sống lành mạnh. 5 hành động nhỏ sau đây chính là cách phòng ngừa đột quỵ não đơn giản tại nhà mà bạn không nên bỏ qua:
1. Giảm muối trong chế độ ăn hàng ngày
Muối làm tăng huyết áp. Trong khi đó, huyết áp cao là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ não, bởi khi đó, áp lực máu lên thành mạch tăng lên, mạch máu não suy yếu, dễ tích tụ các mảng xơ vữa, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông gây tắc mạch máu não.
Chính vì vậy, bạn cần giảm lượng muối trong chế độ ăn hàng ngày, đảm bảo không quá 1.500mg/ngày (tương đương 1/2 thìa cà phê). Bạn cũng nên tránh những thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao như: Bánh mì kẹp thịt, xúc xích hun khói… Bên cạnh đó, bạn hãy ăn khoảng 4 - 5 bát rau quả mỗi ngày, ăn cá 2 - 3 lần/tuần và thường xuyên sử dụng ngũ cốc nguyên hạt, sữa ít béo.
2. Giảm cân
Người thừa cân - béo phì thường bị cao huyết áp và bệnh tiểu đường, đây là hai yếu tố nguy cơ hàng đầu của đột quỵ não. Bởi vậy, để phòng ngừa đột quỵ não, bạn nên cố gắng kiểm soát chế độ ăn để giảm cân sao cho ăn không quá 1.500 đến 2.000 calo mỗi ngày (tùy thuộc vào mức độ hoạt động và chỉ số BMI hiện tại của bạn), kết hợp với vận động, luyện tập để đốt cháy mỡ thừa.
3. Thường xuyên tập thể dục
Tập thể dục mỗi ngày giúp tăng cường sức khỏe toàn trạng, tăng cường tuần hoàn và lưu thông máu. Hơn nữa, đây còn là phương pháp không thể thiếu để giảm cân và hạ huyết áp, góp phần giảm khả năng đột quỵ não. Bạn nên tập thể dục ít nhất 5 ngày/ tuần ở mức độ vừa phải (thở mạnh nhưng vẫn có thể nói chuyện với người khác).
4. Tránh xa khói thuốc lá
Khói thuốc lá làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ hình thành các cục máu đông do xơ vữa động mạch. Chính vì vậy, nếu đang hút thuốc, bạn hãy cai càng sớm càng tốt. Còn nếu không hút thuốc lá, bạn hãy cố gắng tránh xa những nơi có người sử dụng.
5. Mỗi ngày chỉ uống 1 ly rượu vang
Theo một nghiên cứu tại Mỹ, nếu mỗi ngày bạn uống ít nhất 2 ly rượu vang, nguy cơ đột quỵ não sẽ rất cao. Tuy nhiên, uống chỉ 1 ly lại có thể giảm nguy cơ mắc bệnh này, nhất là rượu vang đỏ vì trong đó có chứa resveratrol, tốt cho tim và não.
Xem thêm: Tại sao nhiều người béo phì bị đột quỵ?