Tai biến mạch máu não là nỗi lo của toàn cầu bởi những hậu quả nặng nề mà nó gây ra cho người bệnh cũng như xã hội. Bài viết này là một tài liệu tai biến mạch máu não tổng quan, bao gồm những thông tin thiết yếu về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa tai biến mạch máu não. Hãy cùng tìm hiểu!
Tai biến mạch máu não là gì?
Tai biến mạch máu não (hay còn gọi đột quỵ não) là tình trạng não bộ bị tổn thương do không được cung cấp oxy và chất dinh dưỡng kịp thời. Tình trạng này xảy ra khi lưu lượng máu lên não đột ngột gián đoạn do mạch máu não bị tắc hoặc vỡ. Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có hơn 15 triệu người bị tai biến. Trong đó, có hơn 5 triệu người tàn tật và khoảng 5 triệu ca tử vong.
Tai biến mạch máu não được chia thành 2 loại: Nhồi máu não và xuất huyết não. Cụ thể:
Nhồi máu não còn được gọi là thiếu máu não cục bộ, chiếm hơn 80% tổng số trường hợp. Đây là tình trạng xảy ra khi có cục máu đông xuất hiện trong mạch máu làm tắc mạch, khiến máu không thể mang oxy lên nuôi não.
Xuất huyết não còn gọi là chảy máu não, chiếm gần 20% số trường hợp. Đây là tình trạng xảy ra khi mạch máu não bị vỡ, các chất phóng thích từ hồng cầu thấm vào mô não xung quanh làm tổn thương não. Xuất huyết não nguy hiểm hơn, tỷ lệ tử vong và di chứng nặng nề hơn so với nhồi máu não.
Hơn 80% trường hợp tai biến mạch máu não là do cục máu đông
Bạn đang lo lắng vì bản thân hoặc người thân bị ảnh hưởng bởi tai biến mạch máu não? Bạn e sợ bệnh có thể tái phát bất cứ lúc nào? Hãy gọi điện cho chúng tôi qua số Tổng đài miễn cước 18006305 để được tư vấn về cách cải thiện tình trạng của bạn.
Xem thêm: Hậu quả của tai biến mạch máu não về mặt tinh thần và cách cải thiện
Nguyên nhân gây tai biến mạch máu não là do đâu?
Tác nhân cơ bản gây tai biến mạch máu não là cục máu đông (hơn 80% trường hợp). Những cục máu đông này xuất hiện do tuần hoàn, lưu thông máu lên não kém và có 2 nhóm yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng này. Cụ thể:
Nhóm yếu tố sinh lý: Nhóm này bao gồm: Tuổi tác, giới tính, chủng tộc, tiền sử gia đình. Cụ thể: Người cao tuổi, nam giới, người da đen và người có thân nhân từng bị tai biến mạch máu não thì nguy cơ mắc bệnh này cao hơn so với người bình thường.
Nhóm yếu tố bệnh lý: Nhóm này bao gồm các bệnh như: Tăng huyết áp, bệnh tim, mỡ máu, tiểu đường,… Cụ thể:
- Tăng huyết áp: Khi áp lực máu lên thành mạch tăng cao trong thời gian dài, động mạch bị tổn thương, dễ dẫn đến sự hình thành các cục máu đông và làm tắc mạch máu.
- Bệnh về tim: Tim có chức năng bơm máu đi khắp cơ thể. Các bệnh về tim như: Hẹp van tim, rối loạn nhịp tim, suy tim,… có thể làm giảm khả năng bơm máu của tim lên não. Hơn thế, máu luẩn quẩn lại trong tim cũng dễ hình thành nên cục máu đông.
- Rối loạn lipid máu: Lipid máu (hay còn gọi mỡ máu) gồm 2 phần là cholesterol và triglycerid. Khi cholesterol dư thừa, nó sẽ bám vào thành động mạch. Lâu dần, mảng bám dày lên và làm động mạch bị thu hẹp, cứng lại – đây là tình trạng xơ vữa động mạch. Khi mảng bám vỡ ra, chúng có thể kết hợp với tế bào hồng cầu tạo thành những cục máu đông làm tắc mạch máu, từ đó dẫn đến tai biến mạch máu não.
- Tiểu đường: Người bị tiểu đường có lượng đường trong máu cao, dễ gây tổn thương các mạch máu và ngăn cản quá trình lưu thông máu.
Bệnh tim mạch là yếu tố nguy cơ hàng đầu của tai biến mạch máu não
Xem thêm: 5 nguyên tắc phục hồi chức năng cho bệnh nhân liệt nửa người sau tai biến
Các triệu chứng của tai biến mạch máu não
Các triệu chứng của tai biến mạch máu não đã được tổng hợp lại và đơn giản hóa bằng công thức FAST (nhanh chóng) như sau:
- Face (khuôn mặt): Một bên mặt chảy xệ, mất cân xứng rõ rệt.
- Arm (cánh tay): Một cánh tay mất lực và thõng xuống, không thể giơ lên cao.
- Speech (lời nói): Bệnh nhân đột nhiên ú ớ, khó nói, nói không rõ lời, nói khó hiểu và không hiểu lời người khác nói.
- Time (thời gian): Nếu một người có các dấu hiệu trên, cần tận dụng thời gian, nhanh chóng đưa họ tới trung tâm y tế gần nhất.
FAST - Công thức mô tả triệu chứng của tai biến mạch máu não
Xem thêm: 5 nguyên tắc phục hồi chức năng cho bệnh nhân liệt nửa người sau tai biến
Điều trị tai biến mạch máu não như thế nào?
Việc điều trị tai biến mạch máu não phụ thuộc vào từng loại tai biến mạch máu não. Cụ thể:
Đối với thể nhồi máu não
- Tái thông mạch máu não bằng rTPA (chất hoạt hóa plasminogen mô): Người bệnh có thể được tiêm rTPA qua tĩnh mạch hoặc động mạch. Trong đó, tiêm rTPA tĩnh mạch được chỉ định cho bệnh nhân nhồi máu não trong vòng 3 – 4,5 giờ từ lúc khởi phát, chống chỉ định trên bệnh nhân có triệu chứng quá nhẹ hoặc quá nặng, bệnh nhân đang hồi phục nhanh hay người có dấu hiệu xuất huyết, có rối loạn đông máu,… Còn rTPA đường động mạch được chỉ định cho bệnh nhân nhồi máu não ở động mạch não giữa trong vòng 3 - 6 giờ sau khởi phát hoặc thất bại với rTPA tĩnh mạch.
- Tái thông bằng dụng cụ cơ học: Phương pháp này được chỉ định cho bệnh nhân tai biến mạch máu não thiếu máu não trong vòng 3 - 9 giờ sau khởi phát, đã xác định được vị trí tắc bằng hình ảnh.
- Dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu: Loại thuốc này được chỉ định trong vòng 24 - 48 giờ kể từ khi cơn tai biến khởi phát. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đã được tiêm rTPA thì không dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu.
Đối với thể xuất huyết não
- Dùng thuốc cầm máu trong thời gian đầu phát bệnh để bảo vệ các tế bào não, ngăn ngừa ổ tổn thương lan rộng.
- Dùng thuốc chống co thắt mạch theo đường truyền trong 5 - 7 ngày kể từ khi cơn tai biến khởi phát, sau đó chuyển sang đường uống. Tổng đợt điều trị là 3 tuần.
- Khi bệnh đã ổn định, người bị tai biến xuất huyết não sẽ được kê thuốc bảo vệ não, tăng cường tuần hoàn và dinh dưỡng cho não.
Sau quá trình cấp cứu, đối với cả 2 thể bệnh, người bị tai biến đều cần tiếp tục bảo vệ chức năng não, loại bỏ các yếu tố nguy cơ để ngăn ngừa bệnh tái phát và tiến hành vật lý trị liệu nhằm phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não.
Cách điều trị tai biến mạch máu não phụ thuộc vào từng thể bệnh
Xem thêm: Phù chân sau tai biến – Nguyên nhân và cách cải thiện hiệu quả
Phòng ngừa tai biến mạch máu não bằng cách nào?
Để phòng ngừa tai biến mạch máu não, có 3 nhiệm vụ chính mà bạn cần hoàn thành, đó là:
Điều trị các bệnh lý nguy cơ
Những bệnh về tim và mạch máu như: Cao huyết áp, rối loạn nhịp tim, tiểu đường,… khiến mạch máu yếu hơn. Đây là những nguyên nhân quan trọng làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não. Chính vì vậy, người bệnh cần kiểm soát tốt những yếu tố trên và điều trị triệt để nhằm giúp phòng ngừa tai biến mạch máu não hiệu quả.
Tập thể dục
Việc tập thể dục sẽ giúp tăng cường sức khỏe tổng thể và đây cũng là cách hiệu quả để làm giảm nguy cơ tai biến mạch máu não. Hãy cố gắng luyện tập ít nhất 30 phút/ngày với những bài tập phù hợp. Đồng thời, nên thường xuyên nghỉ ngơi, thư giãn để giải tỏa căng thẳng thần kinh.
Ăn uống khoa học
Chế độ ăn giàu vitamin và chất chống oxy hóa, nhiều rau quả, ít mỡ động vật, ít muối… sẽ giúp tăng cường sức khỏe tổng thể và hạn chế nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, trong đó có tai biến mạch máu não.
Hãy xây dựng lối sống lành mạnh để phòng ngừa tai biến mạch máu não
Xem thêm: Người bị tai biến ăn quả gì để phục hồi nhanh hơn?