Sau tai biến mạch máu não, bệnh nhân cần phục hồi rất nhiều chức năng: Vận động, ngôn ngữ, nghe – nhìn, ghi nhớ,… Và tin vui cho nhiều người bệnh tai biến mạch máu não là mới đây, các nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu và phát triển thành công một thiết bị giúp phục hồi chức năng vận động sau tai biến mạch máu não. Để tìm hiểu thêm về thiết bị này, mời bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây!

Tai biến mạch máu não là gì?

Cũng như tất cả các cơ quan trên cơ thể, não được nuôi dưỡng bằng oxy và chất dinh dưỡng tiếp nhận qua dòng máu do tim bơm lên. Tai biến mạch máu não (hay đột quỵ não) là tình trạng một vùng não bị tổn thương, mất khả năng điều khiển các hoạt động của cơ thể do lưu lượng máu lên não đột ngột ngưng trệ. Tình trạng này xảy ra khi mạch máu não bị tắc hoặc vỡ. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân tai biến mạch máu não có thể tử vong chỉ trong phút chốc hoặc gặp phải những di chứng nặng nề như: Liệt nửa người, méo miệng, mất trí nhớ,…

Để tìm hiểu thêm về tai biến mạch máu não cũng như nguyên nhân gây bệnh, mời bạn cùng lắng nghe những phân tích của chuyên gia Nguyễn Văn Quýnh trong video sau:

Xem thêm: Bệnh tai biến mạch máu não có chữa được không?

Tai biến mạch máu não ảnh hưởng như thế nào đến chức năng vận động?

Tai biến mạch máu não được xác định là một trong những chứng bệnh có tính chất vô cùng nguy hiểm, có thể gây tử vong chỉ trong thời gian ngắn. Người bệnh không chỉ bị suy giảm sức khỏe toàn trạng mà còn có nhiều khả năng phải gánh chịu những di chứng nặng nề. Đây chính là nguyên nhân gây tàn tật hàng đầu tại các nước đang phát triển.

Theo Hiệp hội Đột quỵ Mỹ, có đến 80% bệnh nhân bị liệt nửa người sau tai biến mạch máu não, đi kèm với đó là một số di chứng như: Co cứng cơ bắp, yếu cơ bắp, teo cơ, co giật, đau mỏi toàn thân,... Vì vậy, người bệnh tai biến mạch máu não sẽ gặp khó khăn khi thực hiện những công việc vốn dĩ rất bình thường trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như mặc quần áo hoặc ăn uống.

Hầu hết các chức năng bị ảnh hưởng trong cơn tai biến đều có thể cải thiện được nếu người bệnh tích cực luyện tập phục hồi. Chức năng vận động cũng nằm trong số đó. Tuy nhiên, quá trình cải thiện di chứng này tương đối khó khăn và thường cần nhiều thời gian hơn so với những tổn thương khác.

Xem thêm: Di chứng tai biến mạch máu não cản trở cuộc sống, cần làm gì để cải thiện?

Thiết bị phục hồi chức năng vận động sau tai biến mạch máu não

Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Bệnh viện Houston (Mỹ) mới đây cho thấy, một thiết bị kích thích điện từ xuyên sọ không xâm lấn giúp gia tăng đáng kể hoạt động ở các khu vực não bị tổn thương do tai biến mạch máu não, giúp bệnh nhân mau phục hồi chức năng vận động.

Theo đó, các chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu ở 30 người bị tai biến do thiếu máu cục bộ dẫn đến tổn thương não. Đây là tình trạng cục máu đông xuất hiện khiến mạch máu bị tắc nghẽn, ngăn chặn lưu lượng máu đến não, từ đó khiến các tế bào não dần hoại tử. 

Tham gia nghiên cứu này, các tình nguyện viên đều bị tổn thương não, dẫn đến yếu liệt nửa người sau tai biến mạch máu não. Họ được theo dõi hoạt động não bằng máy chụp cộng hưởng từ (MRI) trước cũng như sau điều trị thử nghiệm. Một nửa trong số các tình nguyện viên đeo thiết bị gắn nhiều bộ kích thích điện từ 20 lần trong 4 tuần, mỗi lần kéo dài 40 phút. Nhóm còn lại được điều trị bằng giả dược. Thiết bị kích thích não này trông giống như một chiếc mũ bơi với nhiều bộ vi điều khiển từ tính được gắn trên đó và nó được điều khiển bằng điện thoại thông minh.

Kết quả cho thấy, những người được kích thích não bằng thiết bị trên gia tăng hoạt động não gấp 9 lần so với người được điều trị bằng giả dược. Khả năng cầm nắm và tốc độ đi bộ cải thiện đáng kể. Những thay đổi này tiếp tục kéo dài trong thời gian theo dõi 3 tháng sau đó và không có biến chứng liên quan đến thiết bị được ghi nhận.

Hiện tại, các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu để cải tiến thiết bị này, làm cho nó nhỏ gọn hơn và bệnh nhân tai biến mạch máu não có thể sử dụng tại nhà mà không cần tới các trung tâm y tế để thực hiện trị liệu. 

Xem thêm: Phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não có khó không?